Vụ việc một đối tượng cho vay nặng lãi đâm mù mắt con nợ bị Công an huyện Tuy Phong ra quyết định khởi tố bị can vào ngày 18-10 chỉ là một trong số nhiều vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay.
Nhiều trường hợp đau lòng
Hai năm trước, vợ anh Lê Tấn Sinh (SN 1982; ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) vay của bà Phạm Thị Ngọc Tuyết (ngụ cùng địa phương) 3 triệu đồng, lãi suất 30.000 đồng/ngày. Trong 2 năm qua, nếu tính riêng tiền lãi thì đến nay đã hơn 20 triệu đồng.
Thế nhưng, mới đây, chỉ chậm trả tiền lãi 2 ngày, bà Tuyết đã đến nhà đòi nợ. Trong quá trình xô xát, bà Tuyết dùng vỏ chai bia đập bể, đâm thẳng vào mắt trái anh Sinh. Qua giám định, anh Sinh bị thương tích 41%, mù mắt trái vĩnh viễn và có nguy cơ biến chứng giảm thị lực sang mắt còn lại. Sau khi gây án, bà Tuyết bỏ trốn khỏi địa phương. Còn vợ chồng anh Sinh phải cầm cố xe máy, vay mượn tiền để điều trị vết thương. Hiện tại, vợ anh Sinh phải đi bán vé số.
Cũng ở thị trấn Phan Rí Cửa, nhiều người dân khu phố Xuân Giang 1 không khỏi bàng hoàng trước cái chết của bà N.T.H (SN 1970). Vì hoàn cảnh khó khăn, bà H. vay 50 triệu đồng của một đối tượng với lãi suất 1 triệu đồng/ngày. Do quá túng bấn, không có tiền trả nên lãi mẹ đẻ lãi con. Bà H. liên tục bị đối tượng cho vay hăm dọa. Cùng quẫn, tháng 9-2018, bà H. tự tử.
Trước đó, một cái chết thương tâm liên quan đến tín dụng đen cũng đã xảy ra ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Đó là trường hợp của ông Võ Minh Tuấn (SN 1974). Đêm 6-5, các đối tượng cho vay nặng lãi đến nhà ông Tuấn để đòi nợ. Trong quá trình đòi nợ, hai bên xảy ra mâu thuẫn và hậu quả ông Tuấn bị một đối tượng trong nhóm đòi nợ là Nguyễn Văn Tuấn (SN 1994) đâm chết.
Bắt cóc, gây áp lực
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện nhiều băng nhóm đòi nợ thuê hành xử theo kiểu xã hội đen, gây lo lắng cho người dân.
Do vay nóng 300 triệu đồng của một đối tượng dẫn đến mất khả năng trả nợ, ngày 20-5, anh Nguyễn Huy Tuấn (37 tuổi; ngụ phường Phú Tài, TP Phan Thiết) bị đối tượng này thuê một nhóm người đến khống chế, dùng dây vải bịt mắt, trói tay rồi đưa lên ôtô chở đi. May mắn là anh Tuấn trốn thoát, đến Công an phường Mũi Né, TP Phan Thiết trình báo.
Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy một số cơ sở, đối tượng cho vay nặng lãi ở Bình Thuận núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính. Khi làm hợp đồng vay, các đối tượng cho vay nặng lãi thường ghi mức lãi suất không quá mức mà pháp luật quy định nhưng thực tế lại thu theo thỏa thuận miệng với lãi suất rất cao. Khi người vay mất khả năng trả nợ, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn xiết nợ, như hành hung, bắt cóc, đe dọa người thân của con nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản để trả.
Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho biết những đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn đa phần là băng nhóm tội phạm liên tỉnh. Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố nhiều vụ án liên quan, bắt giữ một số đối tượng thuộc các băng nhóm này để phục vụ điều tra.
Gỡ quảng cáo tín dụng đen
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh này phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Trong đó có việc tổ chức bóc gỡ các tờ quảng cáo trên tường rào, trụ điện, nơi công cộng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; mạnh tay xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm.
Theo Việt Khánh (Nld.com.vn)