Tiết lộ nhân thân người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nam thanh niên bị phạt 7,5 triệu

25/03/2020 14:11:58

Nam thanh niên tại Trà Vinh đăng văn bản về báo cáo nhanh tình hình tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 nhưng nêu cụ thể họ, tên, nghề nghiệp của người tiếp xúc, nên đã bị phạt 7,5 triệu đồng.

Cụ thể, vào ngày 12-3, Đ.H.T (25 tuổi; ngụ TP Trà Vinh, nghề nghiệp mua bán xe ô tô) sử dụng tài khoản cá nhân trên Facebook để đăng tải văn bản báo cáo nhanh về tình hình tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19, trong đó có nêu cụ thể họ, tên, nghề nghiệp của ông Đ. (ngụ TP Trà Vinh, công tác tại  Trường ĐH Trà Vinh). Sau 2 giờ đăng tải, đã có 113 bình luận, 242 lượt chia sẻ và 95 lượt bày tỏ trạng thái.

Ông Đ. cho rằng việc đăng tải nội dung thông tin cá nhân lên mạng là chưa có sự đồng ý, xâm phạm vào quyền riêng tư thông tin cá nhân của ông, nên ông Đ. làm đơn gởi đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh yêu cầu xử lý theo pháp luật.

Ngày 25-3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành 7,5 triệu đồng đối với T. do có hành vi thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật.

Qua làm việc, T. đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm và đã tháo gỡ thông tin đăng trước đó.

Tiết lộ nhân thân người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nam thanh niên bị phạt 7,5 triệu
Đ.H.T (bìa trái) thừa nhận hành vi sai phạm của mình

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết theo khoản 5, Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra ông nói cần lưu ý thêm khoản 3, Điều 33 luật này buộc nhân viên y tế phải giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Theo luật sư, để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân thì Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông không công khai tên tuổi, hình ảnh của bệnh nhân.

Việc cách ly các ca bệnh và kiểm soát các vấn đề liên quan đến người bệnh như đã tiếp xúc với những ai, di chuyển từ đâu đến đâu, số hiệu chuyến bay, chuyến tàu nào... đều được thông báo cụ thể đến địa phương nơi có người tiếp xúc với ca bệnh.

Mặc dù vậy, luật sư Hùng cũng cho rằng trong một số trường hợp, việc đưa thông tin và hình ảnh của bệnh nhân để phòng chống bệnh chứ không phải phân biệt đối xử thì vẫn có thể được chấp nhận.

"Virus corona có mức độ lây lan và nguy hiểm cao. Luật quy định cấm đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực. Còn trong trường hợp đưa thông tin để khuyến cáo với chủ đích tích cực thì vẫn có thể được", ông Hùng nói và cho rằng nếu cơ quan Nhà nước yêu cầu thì bệnh viện và bác sĩ phải cung cấp.

Cũng theo các luật sư, trong trường hợp người dùng mạng xã hội lợi dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân hay của người đang cách lý để chửi bới, xúc phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, nếu hành vi chửi bới, đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ và nghĩ việc làm này sẽ được thực hiện, thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Còn nếu những lời lăng mạ, xúc phạm hay đe dọa không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013.

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật