Dịch COVID-19 đang lan rộng ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca tử vong ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với các đối tượng khác.
Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên Lancet (tạp chí Y khoa danh tiếng thế giới), các nhà nghiên cứu đã xem xét 99 trường hợp mắc SARS-COV-2 sớm nhất, trong đó, một nửa trong số họ mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn (tim mạch, tăng huyết áp, mạch máu não) trước khi nhiễm bệnh do chủng mới của virus corona.
Tương tự, nghiên cứu của cơ quan y tế quốc gia Italy cũng chỉ ra rằng, hơn 99% trường hợp tử vong vì COVID-19 tại nước này đã mắc các bệnh lý nền mãn tính. Gần một nửa số nạn nhân bị ít nhất ba bệnh lý nền và khoảng 1/4 có một hoặc hai bệnh lý trước đó; hơn 75% bị huyết áp cao, khoảng 35% bị tiểu đường và một 1/3 tổng số người chết bị bệnh tim.
Đây là hồi chuông cảnh báo đối với nhóm người có sẵn các bệnh lý nền mãn tính cần đặc biệt chú ý hơn trong việc dự phòng nguy cơ mắc COVID-19 để tránh hậu quả đáng tiếc.
Theo đó, người mắc bệnh lý nền dưới đây cần có những lưu ý cụ thể như sau:
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Theo các chuyên gia, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần đặc biệt thận trọng với COVID-19 vì nếu chẳng may mắc bệnh, biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp hoàn toàn có thể khiến người bệnh tử vong.
Do đó, để hạn chế bệnh tiến triển nặng cũng như phòng ngừa nguy cơ mắc COVID-19, người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính cần thực hiện cai thuốc lá hoặc hạn chế tối đa hít phải khói thuốc lá. Đây là việc vô cùng quan trọng để tránh phổi bị tổn thương nhiều hơn, dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công hơn.
Bên cạnh đó, tuân thủ việc rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang, tránh xa nơi đông người. Đặc biệt, các chuyên gia khuyên rằng, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên có đủ tất cả các loại thuốc cần thiết trong ít nhất 30 ngày để dự phòng mọi nguy cơ có thể xảy ra.
2. Người có bệnh tim mạch và tăng huyết áp
Những người mắc bệnh tim có xu hướng mắc các bệnh tiềm ẩn khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, bệnh phổi nhiều hơn. Những căn bệnh này làm suy yếu hệ thống miễn dịch chống lại các virus gây bệnh. Theo các nhà khoa học, tình trạng sốt, viêm phổi có liên quan đến COVID-19 gây áp lực căng thẳng cho tim.
Trong khi đó, tăng huyết áp vốn được coi là "kẻ giết người thầm lặng" với mức độ nguy hiểm luôn rình rập người bệnh. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), khi người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 gây COVID-19 mà có bệnh lý kèm theo là tăng huyết áp thì nguy cơ bệnh diễn biến xấu, tử vong là có thể. Hay nói cách khác, tăng huyết áp là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19.
Để phòng ngừa COVID-19, các chuyên gia khuyên người có bệnh tim mạch, người bị tăng huyết áp ngoài tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế, nên tập thể dục thường xuyên, tránh xa nơi đông người và chế độ ăn uống lành mạnh để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, chống lại nguy cơ mắc bệnh.
3. Bệnh đái tháo đường
Theo Tổ chức Đái tháo đường quốc tế, những người mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cơ thể khó khăn hơn để chống lại COVID-19. Virus cũng có thể phát triển mạnh khi mức đường huyết cao. Nếu một người mắc bệnh đái tháo đường, khi nhiễm virus, có thể làm tăng lượng đường trong máu, điều này cũng có thể dẫn đến các biến chứng, thậm chí tử vong.
Vì vậy, Tổ chức Đái tháo đường quốc tế khuyến cáo, những người mắc bệnh đái tháo đường nên thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; tránh chạm vào mặt càng nhiều càng tốt; làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào và tránh tiếp xúc gần với những người đang có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, đảm bảo có đủ thuốc để dự phòng; hạn chế đến nơi đông người khi không có việc cần thiết.
4. Người bị suy giảm hệ thống miễn dịch
Nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh rằng, COVID-19 khi vào cơ thể có diễn biến nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của từng đối tượng cụ thể. Nếu người có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu hay mắc kèm những bệnh mãn tính khác thì sẽ dễ nhiễm virus và có diễn tiến tăng nặng, từ đó người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm hơn so với những người có hệ miễn dịch tốt.
Do vậy, với những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, việc tăng cường các chất dinh dưỡng, nâng cao miễn dịch cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Theo đó, cần bổ sung đa dạng các vitamin, rau xanh, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp uống nhiều nước mỗi ngày.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng các thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch. Tuân thủ lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan để phòng ngừa bệnh tật.
Theo Mai Khôi (Giadinh.net.vn)