Trên là chia sẻ của GS.TS Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam với phóng viên.
Một công trình thuỷ điện trên thượng nguồn sông MeKong thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: CnEnergy. |
Cụ thể, GS Thắng nói: “Nếu chúng ta không nắm được phía Trung Quốc đang tích giữ tổng cộng bao nhiêu m3 nước ở thượng nguồn thì lượng nước mà chúng ta đề nghị họ xả để chống hạn, xâm nhập mặn, cứu lúa… là bất khả thi”. “Theo thông tin mà tôi có được, phía thượng lưu Trung Quốc do ảnh hưởng của El Nino nên nhiều vùng của họ (Trung Quốc – PV) cũng khô hạn. Có thể tình trạng khô hạn của họ không nghiêm trọng như Việt Nam. Họ xây rất nhiều thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong và vào tích nước chờ tới mùa khô phát điện sản xuất. Mà họ muốn phát điện thì đương nhiên phải chạy các tổ máy, chạy các tổ máy thì sẽ phải xả nước. Công hàm của Bộ Ngoại giao là rất kịp thời, thế nhưng, theo tôi nhẽ ra trong công hàm mình phải hỏi rõ phía Trung Quốc đang tích giữ tổng cộng bao nhiêu m3 nước trên thượng nguồn sông MeKong. Chỉ khi chúng ta nắm được con số này thì mới đề nghị được lượng xả khả thi. Chúng ta mà không nắm được thì đương nhiên sẽ rất thiếu thực tế” – GS.TS Thắng nói.
GS.TS Tăng Đức Thắng. |
GS Thắng cũng cho biết thêm: “Thông tin phía thượng lưu Trung Quốc cũng hạn nặng là chính xác đấy. Do vậy, trong bối cảnh này, chúng ta cũng đừng “trông chờ” và kỳ vọng rằng lượng nước mà họ xả ra sẽ đạt như yêu cầu và mong đợi (xả 2.300 m3 nước mỗi giây. Thời gian xả nước trong 134 ngày – PV)”.
“Chúng ta cần có ngay công văn hoặc hỏi họ xem kế hoạch xả nước cụ thể của họ thế nào. Thông tin từ hôm nay (15.3) thì phía họ bắt đầu xả, nếu không nắm được kế hoạch xả nước để tính toán phương án nhận và sử dụng nước khi nước chảy xuống nước ta thì rất khó mà chống hạn và xâm nhập mặn”, GS Thắng nói.
“Theo quan hệ quốc tế, mỗi lần chúng ta làm công hàm đề nghị họ xả nước nói gì thì nói là mỗi lần “chịu ơn” người ta, thế nên, chúng ta phải tính toán làm sao cho khoa học, hiệu quả, sát với thực tế và hoàn thành được mục tiêu khắc phục hạn hán, chống xâm nhập mặn trong giai đoạn trước mắt và tạm thời này”, GS Thắng cho hay.
Nhiều vùng của ĐBSCL đang chịu hạn, xâm nhập mặn nặng. |
Được biết, trước đó, chiều 14.3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo thông tin về việc đề nghị Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước, để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh thành của nước ta.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực. Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mê Kông để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐBSCL”.
“Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15.3 đến 4.4.2016”, bà Hằng nói.
Theo Trần Ngọc Thọ (Dân Việt)