Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã công bố và trao giải Cuộc thi phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Giải thưởng 100.000 USD đã có chủ. Tuy nhiên, “ý tưởng, giải pháp” đoạt giải so với thực tế chống ùn tắc giao thông lâu nay có lẽ còn là một dấu hỏi lớn!
Cuối năm 2016, UBND Hà Nội ra quyết định số 6874/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thi tuyển ý tưởng Phương án tổ chức giao thông và giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trải qua hơn 8 tháng, cuộc thi đã đi đến hồi kết với 6 đơn vị lọt vào vòng chung khảo.
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - kết quả của cuộc thi này không có đơn vị nào đạt giải nhất. Đơn vị đoạt giải nhì là Liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) nhận được phần thưởng là 100.000USD (hơn 2 tỉ đồng), 5 đơn vị còn lại được hỗ trợ 25.000USD (hơn 500 triệu đồng). Vị đại diện Sở GTVT cũng cho hay thời gian tới sẽ công bố các đề án, các ý tưởng cụ thể của các đơn vị tham gia có giải. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thành phố những ý tưởng hay, thời gian tới sẽ được Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan phối hợp để thực hiện nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông.
Trục đường Nguyễn Trãi thường xuyên kẹt cứng các phương tiện trong giờ cao điểm. Ảnh: Hải Nguyễn |
Trao đổi với PV, đại diện nhóm chuyên gia đạt giải nhì cho hay, với sự nỗ lực trong việc lên ý tưởng, các thành viên của nhóm đã lên 7 chiến lược trong giải pháp chống ùn tắc giao thông cho TP.Hà Nội. “Cụ thể 7 chiến lược đó là: Việc mở rộng đô thị phải đi đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Thứ hai là cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe…
Chiến lược thứ ba là phát triển hệ thống giao thông công cộng, cụ thể ở đây là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị… Thứ tư, là giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.
Thứ năm, là đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành trách ùn tắc. Thứ sáu, là phát triển đô thị theo hình thức TOD. Tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng là ưu tiên giao thông công cộng.
Giải pháp thứ 7 là lộ trình để thực hiện những chiến lược trên. Thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sự liên kết phát triển trong việc thực hiện các chiến lược trên” - Đại diện nhóm Liên danh đạt giải nhì cuộc thi nói.
Mớ “bòng bong” giao thông: Không thể giải quyết bằng... “từ ngữ hay ho”
Đại diện nhóm đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi chia sẻ với PV Lao Động, trong điều kiện cuộc thi thì chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Muốn triển khai ở mức thực tế thì phải triển khai những điểm mạnh của các đơn vị tham gia khác để tạo thành đồng bộ giải pháp để TP.Hà Nội áp dụng. Bên cạnh đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền thành phố cùng các ban ngành khác. Mặt khác cần có những giải pháp mềm như giáo dục nâng cao ý thức của người dân, các luật lệ khi tham gia giao thông…
Từ ý tưởng thành thực tế đòi hỏi những bước thực hiện rất dài, cần có sự liên kết. Các chiến lược trong giải pháp có thể chưa thực sự hoàn hảo vì đây là vấn đề rất khó, tuy nhiên nếu triển khai được đồng bộ thì sẽ phát huy hiệu quả.
Nói về ý tưởng của Nhóm đạt giải nhì, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, đây là những giải pháp thiên về kỹ thuật và thuộc nhóm giải pháp kinh điển. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần có sự đồng bộ kèm theo các giải pháp mềm, các giải pháp về cộng đồng, kinh tế và pháp luật mới có thể điều chỉnh được.
“Những điểm mạnh của các ý tưởng trong cuộc thi này cũng nên được nghiên cứu, áp dụng sao cho tránh lãng phí “chất xám” nhất. Mặt khác, để những ý tưởng không chỉ trên giấy cần phải có những công bố cơ bản, đưa ra chương trình hành động và mục tiêu cụ thể. Lộ trình thực hiện của các chiến lược, giải pháp từ ý tưởng vào thực tế là như thế nào... Bên cạnh đó, các giải pháp này phải được đánh giá một cách khách quan và đa chiều trong các mối quan hệ giữa các nhà khoa học - nhà quản lý - cộng đồng dân cư thì mới có thể đi vào thực tế có hiệu quả được nếu không sẽ gặp phải những trở ngại và hậu quả rất lớn sau này” - TS Đạt nói.
Còn chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng, giữa “ma trận” giao thông như mớ “bòng bong” tại Hà Nội thì chắc chắn ý tưởng chưa thể giải quyết được. Theo TS Thủy, đối với các vấn đề giao thông của Hà Nội phải có được tầm nhìn và chiến lược quy hoạch hợp lý chứ không chỉ có dùng từ ngữ “hay” là được. Việc phát triển giao thông phải phát triển mạnh về hạ tầng, đường xá, cầu cống phải tương ứng với quy mô đô thị.
Thứ hai là giao thông công cộng phải vươn lên, trở thành mạch máu chính, mạch máu chủ của giao thông thành phố. Nâng cao năng lực giao thông công cộng của các phương tiện này.
Thứ ba, là phải tăng cường quản lý nhà nước.
Thứ tư, là giữa kiến trúc và giao thông phải đi kèm với nhau. Phải giãn bớt mật độ dân cư khu vực nội đô và cuối cùng là cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân.
*Nói về giải thưởng của cuộc thi ý tưởng này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Hà Nội nên công bố công khai chi tiết đồng thời chia sẻ lên cộng đồng mạng để mọi người dân đều có thể nắm được. Các ý tưởng đạt giải cần phải chứng minh được điều gì khác biệt so với những giải pháp lâu nay đang làm, có sự sáng tạo nào không, hiệu quả của “ý tưởng tiền tỉ” thực tế ra sao… Điều đó càng minh bạch thì càng có được lòng tin của người dân. *TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam - cho hay, việc Hà Nội tổ chức cuộc thi ý tưởng để có được những ý kiến đóng góp để tiến tới giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm. Khi cuộc thi đã có kết quả thì nên công bố tóm tắt về các ý tưởng và giải pháp của những ý tưởng đó để mọi người nắm được. Điều đó mới thể hiện được tính công khai, minh bạch cũng như có thể tiếp cận thêm các ý kiến đa chiều từ người dân, cộng đồng, chuyên gia để các ý tưởng trở nên thực tế và có điều kiện thực hiện hơn. |
Theo Vương Trần (Lao Động)