Thực hư 'cơn sốt' bạch hải đường với giá đến hàng trăm triệu đồng

12/04/2022 11:09:26

“Bạch hải đường” là từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong giới chơi sinh vật cảnh gần đây. Vậy bạch hải đường có thực sự đắt hay chỉ là chiêu trò thổi giá của những "tay chơi"?

Thực hư 'cơn sốt' bạch hải đường với giá đến hàng trăm triệu đồng
Các "sàn giao dịch" bạch hải đường với những thương vụ giá sốc đồng loạt mọc lên những ngày gần đây tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ Ảnh: CTV

Những màn “đội giá” trên trời

Những ngày gần đây, dạo lướt trên các trang mạng xã hội, không khó để nhận thấy loài hoa có tên “bạch hải đường” đang chiếm sóng bởi những giao dịch khủng, việc mua bán được diễn ra thâu đêm tại khu vực Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Trong nhóm Bạch hải đường (hải đường trắng), tài khoản Facebook P.L chia sẻ: “Em ở Tam Nông muốn bán 150 triệu” cho một cây bạch hải đường có chiều cao khoảng 1,5m đã ra hoa được nhiều người quan tâm.

Còn ở nhóm “Giao lưu mua bán bạch hải đường và bạch trà”, một tài khoản cũng đăng bán cây hải đường trắng cao hơn 1m với giá 200 triệu đồng.

Thực hư 'cơn sốt' bạch hải đường với giá đến hàng trăm triệu đồng - 1
Một cây bạch hải đường có chiều cao khoảng 1,5m đã ra hoa được rao bán 150 triệu đồng

Thị trấn Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) những ngày này cũng tấp nập người, xe, làng trên xóm dưới nhộn nhịp kẻ ra người vào. Vùng quê bỗng chốc xuất hiện nhiều "sàn giao dịch" bạch hải đường với những thương vụ giá sốc.

Từ các nhà hàng, quán cafe hoặc khoảng sân vườn đều trở thành địa điểm giao dịch của những "người yêu vẻ đẹp bạch hải đường". Ngoài ra, ở các hội nhóm cây hoa và sinh vật cảnh, rất nhiều cây hoa hải đường được đăng lên với những mức giá khác nhau, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Qua tìm hiểu của PV Báo Lao Động, hoa hải đường vốn là loại cây rất quen thuộc và được trồng nhiều ở vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Theo đó, hải đường thường được chia làm các màu hoa như: Hải đường đỏ, hải đường trắng (bạch hải đường) hay hải đường vàng. Ở thời điểm cận Tết, hoa hải đường thường được rao bán chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/cây.

Đừng để “tiền mất, tật mang”

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV đã liên hệ với một nhà vườn tại Việt Trì (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Qua trao đổi, được biết hiện nay, một cây giống cao khoảng 15-20cm tại nhà vườn chỉ có giá 99.000 đồng/cây chứ không phải 20 triệu như lời đồn.

Chủ nhà vườn này cho biết: “Đây chỉ là chiêu trò thổi giá của những ông lớn, nó chỉ sốt trong vòng 5 ngày, giờ chẳng còn mấy ai trả giá nữa".

“Loài cây hoa nào cũng vậy, nó sẽ quý và hiếm khi chưa nhân giống ra được, bạch hải đường đã nhân giống được rồi nên nó sẽ không còn hiếm nữa, nhưng hoa đẹp nên vẫn nhiều người chơi” - chủ vườn chia sẻ thêm.

Thực hư 'cơn sốt' bạch hải đường với giá đến hàng trăm triệu đồng - 2
Cây giống bạch hải đường cao khoảng 15-20cm tại nhà vườn ở tỉnh Phú Thọ chỉ có giá 99.000 đồng/cây.

Ông Trương Quốc Chính - Uỷ viên BCH Hội sinh vật cảnh và làm vườn Phú Thọ, một trong những đại gia lan tại đây cho biết, bạch hải đường là một loại đột biến của cây hải đường đỏ, có xuất xứ và được trồng nhiều tại khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc), khu vực chơi loài này cũng khá hẹp, chỉ ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Loài cây này thuộc dòng trà cổ, cánh hoa xếp rất đều và đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, số cây mẹ còn lại khá ít, chủ yếu là cây được chiết, ghép từ cách đây 7-8 năm.

Theo ông Chính, việc sốt giá hoa hải đường theo cơn sóng của sốt trà nói chung và bạch trà nhuỵ nói riêng. Thực chất cây bạch hải đường đắt và hiếm bởi đây là dòng đột biến, tuy nhiên chỉ đắt với những cây gốc mẹ có tuổi đời lâu năm.

Thực hư 'cơn sốt' bạch hải đường với giá đến hàng trăm triệu đồng - 3
Bán đúng giá, cây hải đường trắng cao hơn 2m, hoành cây 40cm cũng chỉ có giá dao động từ 7-10 triệu đồng.

“Còn với những cây đang được bán trên thị trường chủ yếu là cây chiết, ghép. Hiện nay nhiều người chơi hoa lao vào cuộc chơi quá nhanh, chưa kịp tìm hiểu dẫn đến những hiểu biết sai lầm và lệch lạc về loài hoa này.

Xét về vẻ đẹp và tính dược liệu của bạch hải đường thì loài cây này xứng đáng để người chơi sinh vật cảnh sở hữu. Tuy nhiên, giá trị của cây ghép chỉ khoảng vài triệu đến vài chục triệu chứ không đến trăm triệu hoặc cả tỉ đồng như nhiều người đồn thổi” - ông Chính cho hay.

Theo Khánh Linh (Lao Động)

Nổi bật