Nhận được nhiều phiếu chất vấn cao nhất là lĩnh vực nội vụ, với 85% đại biểu đề nghị chất vấn. Lĩnh vực thứ hai là công thương với 82,4%; lĩnh vực NN&PTNT 78%; lĩnh vực thông tin và truyền thông 77%, cuối cùng là lĩnh vực thanh tra có 70%. Trên cơ sở lựa chọn từ cao xuống thấp, Quốc hội sẽ chọn 4 lĩnh vực, chất vấn 4 “tư lệnh” ngành là Bộ trưởng Nội vụ, Công Thương, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông. Lĩnh vực thanh tra nhận được phiếu thấp nhất nên không nằm trong danh sách được chất vấn.
Theo ông Phúc, phương thức chất vấn lần này vẫn là “hỏi nhanh đáp gọn” như các kỳ họp trước. Thời gian chất vấn dành trọn 3 ngày (6-8/11), có phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi. Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm, do đây là kỳ họp cuối năm, nên sau khi các bộ trưởng trả lời, đại diện Chính phủ là Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn cuối cùng.
Trong đó, lĩnh vực NN&PTNT được lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp… Lĩnh vực công thương sẽ chất vấn nội dung về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Nhóm lĩnh vực nội vụ, nội dung chất vấn xoay quanh việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển; đánh giá cán bộ, công chức.
Nhóm lĩnh vực thông tin - truyền thông, với các nội dung quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng…
Theo Thành Nam (Tiền Phong)