Truy trách nhiệm về xử lý sai phạm trật tự xây dựng
Chiều 4.6, tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội hàng loạt vấn đề được cử tri, đại biểu QH quan tâm.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, vừa qua, ngành xây dựng và Bộ Xây dựng luôn cố gắng đạt nhiều kết quả quan trọng trong quản lý nhà nước về xây dựng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, ngành cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại.
"Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế tồn tại này nên đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng và sớm khắc phục các hạn chế", Bộ trưởng Xây dựng nói.
Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Xây dựng, 53 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội - chất vấn chuyện các khu đô thị xây dựng tràn lan không có người ở, nhà siêu mỏng, siêu méo "mọc" ở nhiều đô thị mà chưa được khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) đề nghị: "Bộ trưởng cho biết cam kết trong việc phối hợp với UBND TP.Hà Nội trong việc xử lý dứt điểm sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực và khu chung cư HH Linh Đàm".
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “2 sự việc đại biểu nêu thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội.
Ông cho biết thêm, Hà Nội đang phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Khi cưỡng chế phá dỡ phần theo chiều dọc, có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình.
Với vi phạm tại dự án HH Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh: "Đây là trách nhiệm xử lý của Hà Nội, không phải của Bộ Xây dựng, nếu Hà Nội cần, kiến nghị thì Bộ sẽ hỗ trợ".
Không đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng giơ biển tranh luận và nói: "Bộ trưởng nói Hà Nội yêu cầu thì Bộ sẽ giúp. Như vậy thì không đúng vai trò của một bộ quản lý nhà nước".
Giải thích sau đó, ông Phạm Hồng Hà cho biết, từ tháng 8.2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân...
"Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm
Trong phiên chất vấn, các đại biểu cũng nêu ra vấn đề hiện nay có sự chậm trễ trong di dời các Bộ, ngành, gây tốn kém, lãng phí và đề nghị Bộ trưởng Xây dựng báo cáo về việc này.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc này liên quan tới nhiều cơ quan.
Ông nói: "Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ GDĐT lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ LĐTBXH lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.
Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm, dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có các bệnh viện: K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các Bộ để đánh giá vì sao di dời chậm và giải pháp ra sao.
Theo C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung (Lao Động)