Thủ tướng ra ngay loạt yêu cầu sau khi một tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng

26/08/2024 13:42:48

Ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tại địa phương này và làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Lâm Đồng đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng làm cao tốc

Chiều 25/8, tại thành phố Đà Lạt, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Liên quan đến 3 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 2.400 tỷ đồng và cho phép tỉnh này áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Bên cạnh đó hỗ trợ thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 920 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Thủ tướng ra ngay loạt yêu cầu sau khi một tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng cho triển khai đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt cho chủ trương đầu tư; giao UBND tỉnh Khánh Hoà làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc này theo phương thức đối tác công tư.

Trước kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể với các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành với thời hạn cụ thể để trả lời rõ ràng, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng).

Báo Tuổi Trẻ trích lời Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận: "2 tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nếu làm được cả 2 thì tốt quá. Nếu nhắm không làm kịp thì chọn 1 trong 2 tuyến rồi quyết liệt làm cho xong. Vốn trung hạn đã bố trí rồi, nếu không làm thì hết năm sau là phải làm lại từ đầu cả.

Tôi yêu cầu Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch để Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ ngành, tỉnh Lâm Đồng xử lý các chỗ vướng để triển khai cao tốc. Chậm nhất 15-9-2024 phải có đầu ra. Không để loay hoay vì mấy chuyện liên quan đến Quyết định 866 nữa".

Phát biểu tiếp thu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến, làm hết sức mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, nhất là việc triển khai các tuyến cao tốc.

Các tuyến cao tốc đi qua tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch ra sao?

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/2022. Tổng mức đầu tư ban đầu cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước là 6.500 tỷ đồng, chiếm 37,79% tổng mức đầu tư.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nối huyện Tân Phú của Đồng Nai đến thành phố Bảo Lộc có chiều dài 66 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55 km, chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 300 ha ở cả hai tỉnh với hơn 300 hộ phải di dời.

Thủ tướng ra ngay loạt yêu cầu sau khi một tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng - 1
Bình đồ tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và 4 đoạn điều chỉnh cục bộ. Ảnh: Bộ GTVT

Lý trình dự án đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Huoai, Bảo Lộc (Lâm Đồng), có điểm đầu kết nối với điểm cuối của dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Đây là tuyến tiếp nối (dự án thành phần) cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương như đã nói và có chiều dài khoảng 74 km. Quy mô chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.761 tỷ đồng, vốn sở hữu của các nhà đầu tư và vốn huy động khác vào khoảng 11.700 tỷ đồng.

Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Tuyến đường này dự kiến có chiều dài 80,8 km, được thiết kế với 4 làn xe và cho phép tốc độ vận hành từ 80-100 km/giờ. Công tác xây dựng dự kiến sẽ diễn ra từ năm 2024 đến năm 2028.

Cao tốc bắt đầu từ xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh thuộc tỉnh Khánh Hòa, và kết thúc tại ngã ba Darahoa, phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

 

Thủ tướng ra ngay loạt yêu cầu sau khi một tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng - 2
Ảnh: Kinh tế môi trường

Dự án được đề xuất thực hiện dự án theo mô hình đối tác công tư (PPP) dưới hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước đóng góp là 17.540 tỷ đồng và nhà đầu tư sẽ huy động thêm hơn 7.500 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn đã đề xuất chia cao tốc làm hai phần: phần đầu tiên từ Nha Trang đến Đà Lạt dài 81,5 km và phần thứ hai từ Đà Lạt đến Liên Khương dài 18 km.

Tuyến đường này sẽ song song với Quốc lộ 27C, cách khoảng từ 1 đến 7 km, thuận lợi cho việc kết nối với hệ thống giao thông hiện tại của khu vực.

Quy mô đầu tư sẽ được nghiên cứu cho toàn bộ tuyến Nha Trang - Liên Khương để đảm bảo tính kết nối đồng bộ với các dự án cao tốc khác trong khu vực như Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo Thái Hà (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật