Chỉ đạo này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phòng chống Covid-19, chiều 8/2, trong bối cảnh TP HCM đã ghi nhận 30 ca nhiễm và nghi nhiễm nCoV liên quan ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất.
7 khu vực ghi nhận 30 ca nhiễm và nghi nhiễm liên quan nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất: - Bình Thạnh 5 ca; Gò Vấp 5 ca - Bình Tân 7 ca; quận 12 chín ca - Tân Bình một ca; quận 1 một ca - Quận 9 một ca - Một ca ở Bình Dương là nhân viên sân bay - "bệnh nhân 1979"
"Đã có 7 khu vực ở thành phố xuất hiện dịch bệnh, tôi đồng ý với đề xuất giãn cách xã hội một số khu vực có dịch bệnh tại TP HCM của Bộ trưởng Y tế", Thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng TP HCM nên cần sớm đưa ra quyết định giãn cách một số khu vực theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng vì thành phố là một đô thị đông dân, nếu trù trừ sẽ mất kiểm soát.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị thành phố cần cân nhắc kỹ việc tổ chức giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn. "Thời điểm gần Tết này, chúng ta cần những quy định rất linh hoạt nhưng vẫn cần cảnh giác các hoạt động vui chơi đông người", ông Đam nói.
"Hôm qua giờ chúng tôi hồi hộp. Đây là ổ dịch mới không liên quan đến Vân Đồn, Chí Linh", ông Đam nói và cho rằng cái khó hiện nay tại TP HCM là theo xét nghiệm hiện tại cho thấy có trường hợp đã mắc bệnh trong thời gian khá lâu.
Dù vậy, phó thủ tướng cũng cho rằng TP HCM có "cái may" là từ khi phát hiện ca đầu tiên, TP HCM đã làm rất mạnh việc yêu cầu đeo khẩu trang. Thứ hai là chủng lây bệnh hiện nay không thuộc chủng virus mới lây nhanh như những trường hợp ghi nhận ở địa phương khác. "Nếu chủng virus mới bùng phát, TP HCM sẽ gặp khó khăn trong công tác khoanh vùng, dập dịch", ông Đam nói.
Trước đó, báo cáo tại buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết qua phân tích đặc điểm dịch tễ, nhiều trường hợp nhân viên sân bay âm tính nhưng người nhà lại dương tính. Ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã tồn tại từ trước đó, chưa xác định được nguồn lây, thời điểm khởi đầu và có khả năng lây lan ra cộng đồng.
"TP HCM đồng tình với phương án chính quyền địa phương và lực lượng y tế nơi phát hiện ổ dịch cần xem xét áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng", ông Đức nói.
Đối với các hoạt động chào đón Tết Tân Sửu, các địa phương tổ chức cần đảm bảo các biện pháp phòng, chống Covid-19. Lãnh đạo chính quyền TP HCM khẳng định những sự kiện không đảm bảo biện pháp phòng dịch thì cần dừng lại.
"Các sự kiện của thành phố đã lên kế hoạch thời gian tới sẽ giảm quy mô xuống mức tối thiểu. Các hoạt động nghi lễ, tôn giáo, tập trung đông người chưa cần thiết sẽ xem xét tạm dừng", ông Đức cho hay.
Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng thông tin việc truy vết F1, F2 của 29 ca nhiễm Covid-19 được thực hiện quyết liệt, triệt để. Trong ngày 8/2, thành phố sẽ hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ ca tiếp xúc với 29 trường hợp này.
"Thành phố cũng thực hiện xét nghiệm hàng ngày đối với nhân viên sân bay trước khi vào ca làm. Nhân viên tiếp xúc hành khách, hàng hóa tại sân bay cũng được xét nghiệm tầm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm", ông Đức nói.
Chỉ thị 16 được Thủ tướng ban hành hôm 31/3/2020, áp dụng từ ngày 1/4 đến 15/4/2020 trên cả nước trước bối cảnh ổ dịch liên tiếp bùng lên ở 23 tỉnh thành, ghi nhận 137 bệnh nhân. Tinh thần của chỉ thị là "giãn cách xã hội trên toàn quốc, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó".
Tại TP HCM, Chỉ thị 16 đã kéo dài từ ngày 1/4 đến 22/4/2020.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)