Rà soát thiếu thừa giáo viên
Trong bối cảnh cả nước đang thiếu 120.000 giáo viên. Ngành giáo dục dù được giao gần 66.000 biên chế từ ba năm trước, nhưng đến nay mới tuyển được khoảng 6.000 người. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở hầu hết tỉnh, thành. Dù thiếu, nhưng các địa phương không có nguồn để tuyển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 61/CĐ-TTg ngày 10/5/2025, yêu cầu tập trung bảo đảm đủ biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trên toàn quốc, đồng thời chỉ đạo tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị kỳ nghỉ hè cho trẻ em, học sinh.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu biên chế đã giao. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông thiếu so với định mức của ngành.
Theo đó, Bộ GD&ĐT được yêu cầu nghiên cứu và triển khai giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cần tránh việc sắp xếp bộ máy gây thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên đúng biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Đảm bảo nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp", đồng thời phù hợp với thực tiễn và hiệu quả bố trí tại từng địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, điều tiết giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Các địa phương cần tăng cường cử giáo viên biệt phái, dạy liên trường, liên cấp.
Thủ tướng nhấn mạnh cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đủ giáo viên theo biên chế được cấp, tránh tình trạng có biên chế nhưng không tuyển được. Để bổ sung giáo viên thiếu, các địa phương có thể ký hợp đồng giảng dạy. Về lâu dài, cần phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên và nghiên cứu chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, gắn bó lâu dài.
Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Bên cạnh việc tập trung giải quyết bài toán biên chế giáo viên, Công điện 61/CĐ-TTg cũng nhấn mạnh việc lưu ý công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong bối cảnh sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, đảm bảo tổ chức an toàn, nghiêm túc và không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến công tác tổ chức.
Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, với kế hoạch cụ thể, bảo đảm nguyên tắc 6 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả". Đồng thời, yêu cầu tăng cường kiểm tra các khâu, đặc biệt là phân công trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong toàn bộ quá trình tổ chức kỳ thi.
Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT được yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, bảo đảm đầy đủ nhân lực, điều kiện và đúng quy định. Đồng thời, phải kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền. Các bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng phương án chi tiết, bảo đảm phối hợp tổ chức kỳ thi thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương trong mọi tình huống.