Chính phủ thông qua đề án cả nước còn 34 tỉnh, thành và 3.321 xã, phường

11/05/2025 06:46:22

Với việc Chính phủ thông qua các Nghị quyết về hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025, cả nước sẽ có 34 tỉnh/thành phố; 3.321 xã, phường, đặc khu; không tổ chức cấp huyện.

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết về hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã năm 2025.

Cụ thể, tại Nghị quyết 125/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.

Đồng thời, tại Nghị quyết 126/ 2025, Chính phủ cũng đã thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã thẩm định 23 hồ sơ đề án trên và tổng hợp, xây dựng thành một đề án của Chính phủ về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025.

Chính phủ thông qua đề án cả nước còn 34 tỉnh, thành và 3.321 xã, phường
Chính phủ chính thức thông qua đề án cả nước có 34 tỉnh thành, 3.321 xã phường; có 13 đặc khu. 

Dự thảo đề án của Chính phủ xác định, có 52 ĐVHC cấp tỉnh thực hiện việc sắp xếp và 11 địa phương không thực hiện sáp nhập gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.

Về phương án sắp xếp, có 23 phương án sắp xếp đối với 52 ĐVHC cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

Sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).

Bộ Nội vụ cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp cho thấy tỷ lệ đồng thuận cao, trung bình cả nước là 96,19%. Có 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 52 tỉnh, thành phố biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của địa phương mình.

Đối với số lượng ĐVHC cấp xã, đề án cho thấy, dự kiến sau sắp xếp, cả nước từ 10.035 đơn vị cấp xã giảm 6.714 đơn vị (giảm 66,91%), còn 3.321 ĐVHC cấp xã  gồm 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu.

Có 128 xã giữ nguyên không thực hiện sắp xếp do đạt đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số hoặc có yếu tố đặc thù (vị trí biệt lập).

Bộ Nội vụ cho biết, nhìn chung, số lượng ĐVHC cấp xã giảm bình quân cả nước là 66,91% là phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và điều kiện thực tiễn của các địa phương. Việc giảm này cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân để phục vụ người dân tốt hơn.

Về phương án tổ chức, đề án nêu rõ HĐND cấp xã thành lập 2 ban mới là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

HĐND cấp xã gồm chủ tịch, 1 phó chủ tịch; trưởng ban và 1 phó trưởng ban Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội; các đại biểu HĐND của ĐVHC cấp xã. Việc bố trí chức danh chuyên trách của HĐND cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với UBND cấp xã, về cơ cấu tổ chức, UBND cấp xã gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch, và ủy viên theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi). Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Dự kiến, ngày 24/6 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh.

Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong thời gian tới. 

HL (SHTT)