Ca bệnh 416 là dấu hiệu đáng lo ngại
Trong vòng 1 tháng dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, các nhân viên y tế của bệnh viện trong “tâm dịch” Đà Nẵng thấy bóng dáng của người đàn ông tóc bạc, mặc bộ đồ màu xanh lá đứng cùng với các nhân viên y tế. Đó là PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 (bộ Chỉ huy tiền phương) tại TP. Đà Nẵng.
Khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã xin Thủ tướng ở lại "tâm dịch", hứa đến khi dịch ổn định mới về. Nói về quyết định khi ấy, ông cười giản dị bảo đó là "nhiệm vụ của chiến sĩ".
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mới đây đã có những trải lòng với báo chí khi đón nhận thông tin những ca bệnh Covid-19 tử vong.
Ngày 23/7, lãnh đạo bộ Y tế tiếp nhận được thông tin ca bệnh 416 của giai đoạn dịch thứ 2 tại bệnh viện C Đà Nẵng, đây chỉ là ca bệnh đánh dấu để phát hiện ra những trường hợp bệnh nhân khác đã nằm tại bệnh viện C Đà Nẵng. Trong đó, có cả nhân viên y tế, đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
Thứ trưởng Sơn cho hay, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo bộ Y tế đó là đề nghị phong toả bệnh viện C. Bởi, nếu một bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 trong khung cảnh rất nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà thì sẽ có nguy cơ lây lan.
Sau khi nhận được thông tin một số trường hợp tiếp tục mắc tại hai bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Bộ Y tế thống nhất với cơ quan chức năng Đà Nẵng là phong toả, cách ly 3 bệnh viện.
"Quan điểm “làm sạch” bệnh viện Đà Nẵng được thực hiện đầu tiên. Chúng tôi phát hiện một người bệnh rất nặng ở các khoa Nội thận, Nội tổng hợp, Thận nhân tạo, Trung tâm Tim mạch của bệnh viện Đà Nẵng… Các bệnh nhân này có thể lây lan sang người nhà, và người nhà này lại lây ra cộng đồng.
Sau ngày 23/7, tôi được biết nhiều ê-kíp của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy đã được bộ Y tế điều vào trong Đà Nẵng. Mặc dù khi nhận quyết định, mọi người đều chưa kịp chuẩn bị đồ đạc, nhưng đều hướng về mặt trận Đà Nẵng với tinh thần rất cao”, Thứ trưởng Sơn nói.
Như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong
“Khi thông tin về những ca tử vong được công bố từ bộ phận thường trực đặc biệt của bộ Y tế, chúng tôi như xát muối trong lòng. Chúng tôi hoàn toàn không muốn điều đó. Đối với những người bệnh có bệnh lý nền mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của Covid-19 là giọt nước tràn ly”, Thứ trưởng Sơn bộc bạch.
Thứ trưởng Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi cố gắng hết sức làm sao để cứu chữa cho bệnh nhân nặng và nhiều bệnh nhân khác ở các tỉnh thành. Khoảng thời gian áp lực nhất là lúc số ca tử vong lên cao”.
Sau gần 1 tháng dập dịch, Thứ trưởng Sơn cho hay, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu: “Chúng ta có thể khẳng định dịch Covid-19 ở Đà Nẵng cũng đã bắt đầu được kiểm soát”.
“Mặc dù dịch còn những diễn biến phức tạp, không thể hết dịch ngày một ngày hai. Nhưng, tôi hy vọng, trong thời gian tới với sự quyết liệt của cả cộng đồng, chúng ta sẽ chấm dứt được dịch ở tại TP.Đà Nẵng”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)