Không chỉ riêng Phố Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng với làng nghề vàng mã truyền thống. Cách trung tâm Thủ đô khoảng 30km, làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) được nhiều người biết đến là nơi sản xuất hàng mã đã có từ lâu đời và sản phẩm được xuất đi nhiều nơi.
Ngôi làng vốn chủ yếu tập hợp những người nông dân, thường tranh thủ phát triển trái vụ mùa vàng mã vào tháng Giêng, tháng 3, đặc biệt là mùa Vu Lan. Hiện nay, làng chủ yếu cung cấp đồ lễ cho việc hầu đồng, mở phủ, lập đàn và các tiệc hầu thánh quanh năm.
Làng vàng mã Phúc Am tất bật vào mùa rằm tháng bảy. Thực hiện: Minh Nhân |
Đám cưới âm
Cả làng nghề Phúc Am hầu như nhà nào cũng làm vàng mã. Những ngày đầu "tháng cô hồn", hàng mã được sản xuất, bày khắp trong nhà đến ngõ phố. Người dân nơi đây rất khéo tay. Họ không chỉ giỏi đan lát, đôi bàn tay còn đưa máy bấm đinh thoăn thoắt.
Nhà em Hoàng Quốc Cường (lớp 10) nằm ngay đầu dường dẫn vào làng Phúc Am. Trước cổng nhà bày một con thuyền rồng màu trắng đã được hoàn chỉnh. Để làm ra một sản phẩm khá lớn như thế, các cơ sở sản xuất trong làng nếu không thể tự đan lát sẽ mua sẵn khung rồi hoàn thiện.
Bên trong nhà Cường có rất nhiều hình nhân tượng trưng cho cặp cô dâu - chú rể. Tương truyền nếu ai đó không may chết trẻ sẽ được người nhà đốt cặp đôi này xuống. Họ hy vọng con cháu mình có một đám cưới ở thế giới bên kia. Người dân gọi đó là một đám cưới âm.
"Hoặc nếu vợ hoặc chồng mất sớm, người còn lại cũng có thể đốt chú rể hoặc cô dâu để người đã mất có cuộc sống đủ đầy dưới cõi âm". Cường chia sẻ, có thể sau này em sẽ nối nghiệp bố mẹ làm nghề vàng mã truyền thống. Còn hiện tại em vẫn chỉ như người phụ việc trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Hiện nay, nhà lầu, xe hơi, máy bay… bằng hàng mã đã quá quen rồi. Rằm tháng bảy năm nay, người ta đốt cả thời trang hàng hiệu cho người cõi âm. Quần áo, váy, túi xách, giày dép, nhẫn kim cương, đồng hồ,... cũng mang những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Gucci.
Làm vàng mã nuôi 4 người con học thành tài
Đi sâu vào trong làng, nhà chú Nguyễn Văn Phi (55 tuổi) bày biện nhiều hình nhân ngay trước lối vào. So với các nhà khác, cơ ngơi nhà chú Phi được đánh giá là một trong những "công xưởng" lớn nhất. Ngày xưa, chú chủ yếu làm rổ rá đựng rau. Tuy nhiên mấy chục năm trước, khi hợp tác xã giải thể, chú chuyển sang làm hàng mã.
Chú Phi có 4 người con, hiện 3 người đang theo học Đại học Y Hà Nội (chuyên ngành Y Đa Khoa), người còn lại học tập tại Đại học Ngoại Thương (Hà Nội). Chị Huyền (con gái thứ sinh năm 1994) hiện đã có thể làm tất cả mọi sản phẩm trong nhà. Biết nhà chị làm hàng vàng mã, nhiều bạn bè cũng hay trêu chọc.
"Chúng nó hay nói mình toàn cầm tiền đô, tiền tệp. Trêu mãi thì mình cũng quen, giờ mình cảm thấy bình thường chứ không bực mình như trước nữa" - chị Huyền cho hay.
Nhà chú Phi làm tất cả từ tiền vàng, quần áo, giày dép, mũ nón, hình nhân đến rừng cây, ngựa, voi… đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho dân buôn vàng mã. Giá cả thường chỉ ở mức 200.000 đồng/ sản phẩm. Được biết những nguyên liệu thường dùng được làm từ bột lọc và bột sắn, thậm chí là những hạt trân châu hết hạn đều được tận dụng làm hồ dán vì độ kết dính cao.
"Gia đình chú thường làm theo đơn hàng cho mọi thứ. Trước đây có nhiều đoàn du lịch tới tham quan lắm. Ngoài lao động gia đình, chú thuê thêm 10 nhân công để có thể sản xuất hàng hoá quanh năm. Có khi phải làm một tuần để đủ đơn, hàng hóa chất đầy nhà. Giá một đơn khoảng 10 đến 20 triệu đồng" - chú Phi chia sẻ.
4 người con của chú Phi đều đang theo học những ngành nghề "hot" nhất hiện nay. Chú lo lắng, con gái rồi sẽ làm bác sĩ, con trai sẽ làm dầu khí tận Vũng Tàu, rồi chả đứa nào nối nghiệp. Thỉnh thoảng chỉ những khi vào mùa chính như Vu Lan, Tết,... mấy anh chị em trong nhà mới có thời gian rảnh rỗi giúp đỡ bố mẹ.
"Sau này có thể không ai nối nghiệp vì các con có nghề hết. Dù đứa con nào cũng biết làm rồi mà phải bỏ đi thì cũng khá tiếc. Công việc không khó, chỉ hơi mệt khi không có ngày nghỉ, 30 Tết, mùng 1, 2 vẫn làm bình thường. Nhiều lúc còn phải thức xuyên đêm để kịp đơn hàng".
Đốt "osin cao cấp" cho người cõi âm
So với nhiều năm trước, những hình nhân osin ngày càng "cao cấp". Từ hình dáng, mẫu mã đến màu sắc, mọi công đoạn đều rất chỉn chu để cho ra một người giúp việc hoàn thiện. Vừa thoăn thoắt cắt dán những tờ giấy nhiều màu sắc, bà Lan vừa kể, năm nay số lượng osin tăng khá cao vì nhu cầu của khách hàng.
Nếu muốn một lễ cúng thật tươm tất, ngoài các mặt hàng truyền thống như "ông ngựa", nhà lầu, xe hơi, quần áo, tiền vàng,... nhà nào khá giả sẽ sắm thêm từ 1 đến 2 người giúp việc. Số tiền chuẩn bị có thể dao động từ 10 - 20 triệu đồng.
"Nhu cầu hàng mã ngày cúng chúng sinh, lễ Vu Lan tăng lên rất cao. Ai cũng luôn tay luôn chân mà vẫn không hết việc". Bà Lan cho biết thêm, với những khuôn hình "ông ngựa" cao đến 2 mét, nhà bà đều làm thủ công bằng tay mà không cần máy móc.
Trung bình 30 phút sẽ dựng được một khung. Ngày nắng, chúng được mang ra vệ đường phơi khô, sau đó chuyển đi dán giấy. Khi hoàn thiện, mỗi "ông ngựa" được bán với giá từ 400 - 500 nghìn đồng.
Người xưa vẫn hay quan niệm "trần sao âm vậy" nên với sự phát triển hiện nay của xã hội, đồ cúng tế cũng được các xưởng hàng mã chế thành nhiều kiểu, nhiều "mốt". Tất cả đều được làm chỉn chu với hy vọng đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế".
Theo Minh Nhân- Bá Cường (Trí Thức Trẻ)