Thu phí xe vào nội đô Hà Nội: Cần nhưng chưa đủ!

02/11/2018 22:00:55

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo đồng ý đề xuất của TP Hà Nội về việc lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô

Theo chính quyền TP Hà Nội, các phương tiện cơ giới đang chiếm tỉ lệ lớn trong các nguồn gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở TP này và sẽ là nhân tố lớn tác động đến giao thông, môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống.

Bài toán kinh tế

Lãnh đạo Hà Nội cho biết việc thu phí là giải pháp kinh tế nhằm quản lý phương tiện, giảm mật độ giao thông tại một số khu vực; qua đó giảm ùn tắc và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc bù đắp một phần chi phí phục vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông. Vì thế, việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.

Thu phí xe vào nội đô Hà Nội: Cần nhưng chưa đủ!
Tắc đường là nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội trong nhiều năm qua

Lãnh đạo Hà Nội tin rằng đề án này sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham giao giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển phù hợp.

Đại diện Ban Đô thị Hà Nội cho biết Chính phủ đã đồng ý đề án của Hà Nội nên các cấp liên quan bây giờ mới bắt đầu phối hợp thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, sau đó mới đưa ra được đề án. Theo kế hoạch triển khai, đề án sẽ có trong năm 2019, còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện. Mục đích cuối cùng của biện pháp kinh tế này là hạn chế các phương tiện tham gia giao thông vào nội đô, đồng thời để phát triển giao thông công cộng.

Chưa đủ điều kiện?

Cũng theo đại diện Ban Đô thị Hà Nội, đề án là một biện pháp kinh tế rất tốt. Việc áp dụng đề án này là học hỏi từ một số nước trên thế giới, như: Anh, Singapore, Na Uy… Tuy nhiên, khi thực hiện ở Việt Nam có hiệu quả hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, không ai dám chắc sẽ hiệu quả.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định: "Đây là một biện pháp để giảm ùn tắc trong nội đô. Tuy nhiên, ở Hà Nội điều kiện cần thì có nhưng điều kiện đủ thì chưa. Hiện hạ tầng Hà Nội còn quá yếu kém, các cửa ô, ngã tư, hè phố hay giao thông thông minh chưa đâu vào đâu. Hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng cũng chưa hiệu quả. Từ những lý do đó nên không thể đổ lỗi ùn tắc cho người dân vì dùng quá nhiều phương tiện cá nhân được, nếu không dùng phương tiện cá nhân mà sử dụng những phương tiện công cộng thì người dân sẽ không làm việc được. Đây là phương án vội vàng, tôi không đồng ý với đề án này".

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: "Hà Nội là thủ đô nên được phép có những cơ chế riêng. Đề án này là một sự đột phá của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, hiện Hà Nội đã có rất nhiều loại phí và lệ phí mà các phương tiện tham gia giao thông phải gánh chịu, đặc biệt là những người đi ôtô, nếu thêm loại phí này nữa thì sẽ rất vất vả cho họ. Trong thời đại hiện nay, nhu cầu sử dụng ôtô của người dân là rất lớn và chính đáng nên chính quyền phải cân nhắc, nếu tình trạng phí chồng phí như hiện nay thì sẽ làm cho đời sống người dân thêm khó khăn". 

Tốc độ tăng trưởng cao

Hiện Hà Nội có trên 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Dự báo với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay của ôtô và xe máy thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 800.000 ôtô; hơn 6 triệu môtô, xe máy. Đến năm 2030, số ôtô là gần 2 triệu; môtô, xe máy là 7,5 triệu.

Theo Huy Thanh (Nld.com.vn)

Nổi bật