Theo Luật sư Phạm Hồng Thái, không nên đưa ra đề xuất tịch thu phương tiện khi lái xe “say xỉn”, vì như vậy là vi phạm quyền bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Cụ thể, trong trường hợp trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1lít khí thở thì lái xe sẽ tước giấy phép lái xe trong vòng 24 tháng và bị tịch thu phương tiện.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái |
Ông Thái cho biết, khoản 2 Điều 169 Bộ Luật dân sự có quy định về bảo vệ quyền sở hữu rõ như sau: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”.
Ông Thái cũng cho biết, ngay cả trong Hiến pháp 2013 cũng quy định rõ ràng về quyền sở hữu của công dân, theo đó không ai có quyền tước đạt tài sản người khác. Luật Dân sự cũng chính là cụ thể từ Hiến pháp ra.
“Người ta có thể đưa ra mức phạt có thể thấp, có thể cao. Song tôi cho rằng đừng nên đưa mức phạt cao hơn nữa, phạt như hiện nay là quá cao so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam rồi”, ông Thái nêu quan điểm.
Đề xuất “chưa từng có” trên thế giới
Ảnh: Tuổi trẻ. |
“Không có nghiên cứu nào từ trước đến nay chứng minh được cứ tăng mức phạt là giảm mức độ vi phạm được”, ông Thái nhấn mạnh.
Từ câu chuyện này, ông Thái cũng bàn thêm về đề xuất tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện đi vào đường cao tốc đang gây tranh cãi mới đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
“Ô tô hay xe máy, xe thô sơ… đều là tải sản của công dân. Đã là tài sản hợp pháp thì không phụ thuộc vào bất kỳ thể chế chính trị nào cũng được sẽ bảo hộ, không ai hoặc bất kỳ hình thức nào để có thể tịch thu”, ông Thái nói.
Theo nhận định của ông Thái, khả năng các kiến nghị này được chấp thuận là “không cao”. Nếu muốn đề xuất này thành hiện thưc, cần phải sửa các luật liên quan. Hiến pháp Việt Nam vừa mới sửa đổi, phải 10 năm tới mới có thể sửa được. Còn luật dân sự không thể trái với hiến pháp được.
“Trong trường hợp được chấp thuận và cố tình áp dụng sẽ gây phản ứng tiêu cực từ người dân, người bị tịch thu phương tiện. Nếu không hợp lý, sẽ dễ có tư tưởng chống đối ngầm, sự bức xức, điều này rất nguy hiểm”, ông Thái nói.
Luật sư Thái chia sẻ, tại sao mà đi ra nước ngoài, chẳng có bóng cảnh sát giao thông nào mà người ta vẫn chấp hành một cách rất tự giác. “Tôi cho rằng, cao hơn cái quy định, pháp luật chính là văn hóa giao thông, là ý thức người dân. Muốn được như vậy cần có sự đồng thuận của họ”, ông Thái nói.
Theo Mạnh Nguyễn (Bizlive.vn)