Vì đâu nên nỗi…
Dự án xây dựng Cảng chuyên dùng Công Thanh được phê duyệt từ năm 2011 với quy mô ban đầu là 500m chiều dài cảng. Tháng 7/2013, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có công văn 5277/UBND-THKH chấp thuận chủ trương mở rộng Cảng thêm 400m nữa. Như vậy, tổng diện tích Cảng chuyên dụng Công Thanh là 900m chiều dài”.
Về quy mô Cảng sẽ xây dựng 2 cầu bến tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000-50.000 DWT đầy tải và đến 70.000 DWT giảm tải. Sau khi hoàn thành, 2 bến chuyên dụng sẽ thông qua lượng hàng khoảng 6,8 triệu tấn/năm.
Để thực hiện hóa tham vọng này, khu vực bến cảng đã được Tập đoàn Công Thanh kè kiên cố và xây dựng nền xi măng chiếm tới 70-80% toàn diện tích. Phần mặt bằng đang gấp rút hoàn thành để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng dài 800m hướng ra phía biển đã lên hình hài.
Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh cho biết, hiện Nhà máy xi măng Công Thanh đã đi vào hoạt động có hiệu quả và có công suất 12.500 tấn Cliker/ngày tương ứng 6 triệu tấn xi măng/năm, lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Với công suất của nhà máy xi măng nêu trên, hàng năm, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh phải xuất xi măng, Cliker khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Nhập than là 1 triệu tấn than/năm và khoảng 500.000 tấn phụ gia khác phải chung chuyển qua cảng chuyên dụng này.
Về nhu cầu cảng cho Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có công suất 1x600 MW sẽ đi vào vận hành năm 2020 theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, tại Quyết định số 35/QĐ-BCT ngày 06/01/2017 của Bộ Công Thương về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn công suất là 1x600MW vận hành vào năm 2020. Lượng than nhập qua cảng chuyên dụng là 2,3 triệu tấn/năm.
Thống kê cho thấy, tổng số lượng hàng hóa ra vào của Nhà máy nhiệt điện Công Thanh và Nhà máy xi măng qua cảng chuyên dụng Công Thanh mà Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cấp là 8,15 triệu tấn/năm.
“Với khối lượng vận tải lớn như vậy, cộng với các hạng mục khác như: Tuyến băng tải than, tuyến cấp nước làm mát, thải nước làm mát của Nhà máy nhiệt điện và băng tải xuất xi măng, Cliker của Nhà máy xi măng nên diện tích cảng Công Thanh cần đủ rộng để làm kho chứa. Thực tế, mỗi năm, Tập đoàn bỏ tới trên 200 tỷ đồng để thuê lại các khu bến cảng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Như vậy, nhu cầu của tập đoàn là có thực”, ông Lý nói.
Sáng 14/9, có mặt thực địa tại Khu kinh tế Nghi Sơn, phóng viên Báo GĐ&XH ghi nhận có sự đầu tư đáng kể tại khu vực Cảng chuyên dùng Công Thanh. Một khu bến cảng rộng lớn đã được kè kiên cố và xây dựng nền xi măng chiếm tới 70-80% toàn diện tích. Về cơ bản gần như hoàn thành phần mặt bằng để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng dài 800m hướng ra phía biển.
Giải thích về việc chậm tiến độ, ông Lý cho rằng, hiện còn 2 hộ dân vẫn cản trở vì đền bù nên tập đoàn không có mặt bằng sạch để lập dự án. “Do khối lượng công việc là khá lớn nên tập đoàn có chậm tiến độ một chút, nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép. Vậy nhưng, các cơ quan có thẩm quyền lại lấy lý do này để thu hồi là không hợp lý”, ông Lý chia sẻ.
Cần xem xét nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp
Không đồng ý với việc thu hồi, lãnh đạo Tập đoàn Công Thanh đã có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trước kiến nghị của Tập đoàn Công Thanh, ngày 22/5/2018, Cục Hàng Hải đã tổ chức họp với Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh và nhiều đơn vị khác để thống nhất các nội dung liên quan đến quy hoạch mặt bằng cảng chuyên dụng cho cỡ tàu 50.000DWT đầy tải và 70.000DWT phù hợp với quy hoạch chi tiết. Ngày 28/8/2018, Cục Hàng hải có văn bản số 2565 đề xuất lên Bộ GTVT chấp thuận.
Sau khi đánh giá, thẩm định các ý kiến, ngày 22/8/2018, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã có văn bản số 9298/BGTVT- KHĐT nêu rõ: “Đầu tư bến cảng chuyên dùng Công Thanh phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại khu vực phía Bắc Nghi Sơn cơ bản phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt”.
Văn bản này đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Công ty cổ phần nhiệt điện Công Thanh đầu tư nghiên cứu, đề xuất vị trí, xây dựng cụ thể, quy mô, lượng hàng, khoảng cách an toàn và quyết định đầu tư. Xây dựng phương án khai thác tuyến luồng chung và riêng.
Cùng với đó, văn bản giao Cục hàng hải Việt Nam chủ trì chỉ đạo các cơ quan liên và các doanh nghiệp khai thác cảng trong việc thống nhất phương án khai thác chung tuyến luồng hiện hữu.
Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đã có văn bản số 31/NĐCT- QLDA ngày 30/8/2018 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị chấp thuận đầu tư bến Cảng chuyên dụng Công Thanh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Câu hỏi đặt ra là: "Tập đoàn Công Thanh có thực sự cần phải mở rộng Cảng chuyên dụng Công Thanh hay không?". Trong buổi làm việc với PV Báo GĐ&XH, ông Lê Thanh Hà - Phó Trưởng ban quản lý KKT Nghi Sơn khẳng định điều này là có. Ông Hà nói: “Thực tế nhu cầu sử dụng cảng của Tập đoàn Công Thanh là có. Họ có cả nhà máy xi măng ở đây, nhưng quá trình xúc tiến, triển khai hơi chậm nên bị thu hồi. Bây giờ họ phải giải trình tại sao lại chậm. Nếu họ giải tình có lý, có tình thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp trở lại”.
Cũng theo ông Hà, đây là động thái ép doanh nghiệp có trách nhiệm với công việc. “Quan điểm của tôi là ủng hộ doanh nghiệp, nhưng họ phải có trách nhiệm, phải thực hiện đúng tiến độ, đúng cam kết. Tuy nhiên, nhiều khi cũng thông cảm cho doanh nghiệp, họ chậm có thể là do thiếu vốn, chưa thể xoay kịp. Nếu yếu tố khách quan như trên còn có thể thông cảm, nhưng nếu họ mà cố tình chây ì không thực hiện theo đúng cam kết, tiến độ thì quan điểm của Ban sẽ đề nghị thu hồi”, ông Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia - cho rằng, doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu tiền như thế giờ thu hồi cũng không hợp lý. “Thời gian tới UBND huyện sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cấp lại cho Công Thanh chứ không thể thu hồi của họ như thế được, bởi đây là nhà đâu tư lớn của địa phương”, ông Dũng thông tin.
Theo Bình Minh (Giadinh.net.vn)