Người Hà Nội đề phòng sốc nhiệt dưới nắng nóng gay gắt (Nguồn Tiền Phong)
Theo các chuyên gia khí tượng, khu vực Bắc và Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất từ đầu năm đến nay, khoảng 6-7 ngày.
Trong đợt này, có khoảng 3-4 ngày nắng nóng tập trung mạnh nhất ở miền Bắc. Ngoài ngày 17/5 vừa qua, sắp tới các ngày từ 21-23/5, nắng nóng cũng ở mức cao điểm. Đồng thời, ở miền Trung, từ đầu đợt đến nay hầu hết nền nhiệt khá "bền vững" khi luôn đạt cao nhất ở mức xấp xỉ 40 độ.
Trước đó, ngày cao điểm 17/5, nhiều nơi ghi nhận mức nhiệt rất cao dù ngay đầu đợt nắng. Cụ thể như: TP Hòa Bình (Hòa Bình) 41.2 độ, TP Việt Trì (Phú Thọ) 40.5 độ, Bắc Mê (Hà Giang) 40.1 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 40.3 độ, Đô Lương (Nghệ An) 40.3 độ...
Đặc biệt, tại trạm đo Hà Đông (Hà Nội) khi đó nền nhiệt là 41.3 độ, nhưng ngoài trời cảm giác nắng nóng đỉnh điểm với mức đo từ nhiệt kế mặt đường đạt hơn 50 độ.
Những ngày sau đó, nhiệt độ các khu vực trên tuy có lúc hạ 0.5-1 độ, nhưng do nền nhiệt tích tụ liên tiếp và không có mưa nên luôn có cảm giác nắng nóng như đổ lửa kèm oi bức, ngột ngạt, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Trong hôm nay (19/5), cơ quan khí tượng ghi nhận nhiệt độ cao nhất ở Bắc Bộ có hạ nhẹ, còn khoảng 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, nhưng trời vẫn nắng chói chang. Thậm chí, nhiệt độ cao nhất ở thủ đô Hà Nội vẫn duy trì ở mức 37-39 độ, do hấp thụ nhiệt lớn từ đường bê tông, đường nhựa, nhà cao tầng, xe cộ.
Đối với khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, vẫn nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 37-39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 35-50%.
Sang 20/5, nhiệt độ Bắc Bộ lại tăng lên với mức cao nhất 36-38, có nơi trên 39 độ, thời gian nắng nóng tập trung vào khoảng 11-17h. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên cũng tăng lên 37-40 độ, có nơi trên 40, thời gian nắng nóng kéo dài hơn từ 10-18h.
Đợt nắng nóng gay gắt ở các khu vực trên có khả năng kéo dài tới khoảng 23/5.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, cường độ đợt nắng nóng này có thể yếu hơn đợt nắng nóng sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, khi ghi nhận kỷ lục ở Hồi Xuân (huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) là 44.1 độ. Tuy nhiên, đợt nắng này lại kéo dài nhiều ngày và không có mưa nên có sự tích lũy nhiệt độ, khiến những ngày sau trời nắng nóng lên rất nhanh và giảm chậm.
Đáng lưu ý, theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Riêng khu vực phía Nam, sáng và trưa nay vẫn có nắng khá gắt với mức nhiệt cao nhất ở miền Đông lên trên 35 độ. Nhưng đầu giờ chiều và tối, khu vực này khả năng có mưa giông, cục bộ có mưa to đi kèm gió giật và lốc xoáy.
Trước đó, trao đổi với PV báo VietNamNet, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5-1 độ.
Theo ông Khiêm, thông thường một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3-5 ngày, thì năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
"Mỗi đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 37-38 độ; miền Trung khoảng 37-39 độ, có nơi cao hơn từ 40-42 độ", ông Khiêm nhận định.
Ông Khiêm cho biết, cao điểm của nắng nóng dự báo khoảng tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ.
NT (SHTT)