Ngay từ những tháng đầu năm 2019, thời tiết thiên tai bất thường, cực đoan tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Đặc biệt, những ngày gần đây, một đợt nắng nóng khắc nghiệt đang "tấn công" Châu Âu.
Vậy trước xu thế thời tiết biến đổi phức tạp, Việt Nam ảnh hưởng như thế nào? Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra những phân tích, nhận định về vấn đề này.
Thưa ông, một đợt nắng nóng khắc nghiệt đang bao phủ khắp Châu Âu. Xin ông đưa ra những nhận định và phân tích về xu thế biến chuyển thời tiết trên thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào trong xu thế này?
- Theo nhiều thông tin, ở các quốc Châu Âu đang hứng chịu một đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt. Theo dự báo của các nhà khí tượng Châu Âu, nhiều nơi ở Châu Âu và đặc biệt ở phía nam nước Pháp và Anh có thể ghi nhận được các giá trị kỷ lục.
Theo trang theguardian.com, các nhà khí tượng Pháp dự báo vào hôm nay (thứ sáu ngày 28.6), nhiệt độ tại các thị trấn phía nam Nîmes và Carpentras ở Pháp có thể đạt mức 45 độ C (113 độ F).
Nguyên nhân của đợt nắng nóng này ở Châu Âu do hoàn lưu sống khí áp ở tầng khí quyển trên cao hoạt động mạnh khống chế toàn khu vực Châu Âu.
Tuy nhiên còn một nguyên nhân nữa có quy mô lớn hơn, đó là quy mô khí hậu chính là do tác động của tác động của hiện tượng El Nino bắt đầu từ cuối năm 2018 đến nay, cùng với đó là những tác động của sự nóng lên toàn cầu, hiệu ứng đô thị hóa đã làm cho nhiệt độ trong các đợt nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình.
Và Việt Nam cũng không ngoại lệ trong xu thế này, khi nền nhiệt cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Thực tế tại Việt Nam, gần đây ghi nhận có điểm quan trắc đo được nhiệt độ ở mức 43,3 độ. Đây có phải mức nhiệt kỷ lục hay không thưa ông?
- Đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3.6 tới nay (28.6) là một đợt nắng nóng dài.
Xét về thời gian kéo dài thì có thể nói năm nay đợt nắng nóng này đã 25 ngày liên tiếp và như vậy nó chỉ kém đợt nắng nóng kéo dài 32 ngày (9.5.2014-10.6.2014), đợt 39 ngày từ (14.5-21.6.2015).
Cường độ đợt nắng nóng này cũng khá là gay gắt, nền nhiệt ở nhiều nơi đã vượt mức lịch sử trong tháng 6, như ở Con Cuông (Nghệ An) ngày 22.6 là 43.3 độ vượt lịch sử gần đây 42.2 độ C vào ngày 19.6.2010.
Đặc biệt tại Quỳ Hợp (Nghệ An) ngày 22.6 là 43 độ vượt lịch sử gần đây 42 độ ngày 19.6.2010 và cũng là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước tới giờ ở Quỳ Hợp.
Tuy nhiên, với giá trị nhiệt 43,3 độ xảy ra tại Con Cuông (Nghệ An) ngày 22.6 chưa phải là mức nhiệt kỷ lục cao nhất của nghành khí tượng thủy văn. Trước đó, mức nhiệt 43,4 độ xảy ra tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20.4 mới là mức nhiệt cao kỷ lục.
Trong thời gian tới, liệu có ghi nhận những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn hay không, thưa ông? Cường độ và thời gian của những đợt năng nóng được dự báo như thế nào?
Theo đánh giá của chúng tôi, trong 3 tháng tới, tức là từ tháng 7-10.2019, trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.
Dự báo từ nay đến tháng 8.2019 còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng 6-7.2019 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Tuy nhiên ít có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài như đợt nóng đang xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Còn cường độ thì khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thảo Anh (Lao Động)