Theo Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), quá trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac giai đoạn một cần 120 tình nguyện viên tham gia. Những người này được chia thành 4 nhóm theo tuổi, giới. Mỗi nhóm 30 người, gồm nữ tuổi 18-39, nam tuổi 18-39, nữ tuổi 40-59 và nam tuổi 40-59.
Ba ngày sau thông báo tuyển tình nguyện viên, có hàng trăm tình nguyện viên tuổi 18-39 đăng ký, hiện đã chọn đủ số tham gia nhóm này. Đối với nhóm tuổi 40-59, mới có 19 nữ, 33 nam đăng ký. Như vậy, nhóm này cần thêm khoảng 40 nữ và 35 nam, sinh sống ở các quận nội thành Hà Nội, đăng ký.
Theo tiến sĩ Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, số người đăng ký cần nhiều gấp 2-3 lần so với nhu cầu. Họ sẽ tham gia sàng tuyển theo 6 tiêu chí chọn vào và 21 tiêu chí loại trừ, mới tuyển được đủ số lượng tình nguyện viên phù hợp và cần thiết. Tuổi người tình nguyện càng cao thì tỷ lệ sàng lọc thất bại cũng cao hơn.
Tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được nghiên cứu kĩ lưỡng cho thấy an toàn hiệu quả trên tiền lâm sàng. Đây là vaccine có công nghệ sản xuất tương tự như một số vaccine Covid-19 đã lưu hành trên thế giới, công nghệ này cũng đã được dùng để sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam.
Ngoài ra, người tình nguyện còn được mua bảo hiểm tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu; được khám, theo dõi và chăm sóc bởi đội ngũ y bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; được hỗ trợ tiền đi lại (khoảng 3.300.000) khi tham gia nghiên cứu và tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân.
Người tham gia tiêm thử nghiệm vaccine không cần cách ly, chỉ cần lưu lại nơi tiêm 24 giờ để theo dõi sức khoẻ.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất.
Đây là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)