Ngày 4-3, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC, đóng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho hay viện đã hoàn thành các khâu tập huấn về quy trình thử nghiệm, khám, tuyển dụng tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac. Đây là vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam.
Theo TS Dương Hữu Thái, từ ngày 5-3, IVAC cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội bắt đầu tiến nhận thông tin của các tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vaccine Covivac. Các tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Đại học Y Hà Nội, qua điện thoại, thư điện tử hoặc website.
Vaccine Covivac sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên 120 tình nguyện viên có độ tuổi 18-59. Các tình nguyện viên tham gia phục vụ nghiên cứu phải phải đảm bảo khỏe mạnh, có cân nặng, chiều cao phù hợp, cư trú trong khu vực nghiên cứu. Tình nguyện viên hiểu rõ và hoàn toàn tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Tình nguyện viên sẽ được khám chín lần trong 13 tháng kể từ khi được chấp thuận tham gia thử nghiệm tại Trung tâm Dược lý lâm sàng Đại học Y Hà Nội. Các tình nguyện viên được tiêm hai mũi vaccine Covivac, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Sau khi tiêm, họ ở lại địa điểm nghiên cứu 24 giờ để được theo dõi an toàn. Ngoài ra, tình nguyện viên cũng được lấy mẫu máu bảy lần, gồm trước khi tiêm và bảy ngày sau mỗi lần tiêm nhằm đánh giá sức khỏe, đo lượng kháng thể trong máu chống lại COVID-19. Các tình nguyên viên được hỗ trợ chi phí đi lại, bồi dưỡng mỗi lần tiêm vaccine.
Đối với tình nguyện viên là nữ phải đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai. Họ cũng phải đáp ứng các tiêu chí loại trừ như không tiêm vaccine khác trong vòng 28 ngày, dị ứng vaccine, ung thư... Các tiêu chí loại trừ nhằm tránh nhầm lẫn biểu hiện của vaccine với bệnh lý sẵn có của người tình nguyện, chắc chắn các kết quả thu được là biểu hiện cho tính an toàn và hiệu quả của Covivac trên người tình nguyện khỏe mạnh.
Viện trưởng IVAC cho biết thêm vaccine Covivac được các nhà khoa học nghiên cứu điều chế trong phòng thí nghiệm, được sản xuất từ công nghệ trứng gà có phôi, là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển, thử nghiệm trên động vật cho kết quả an toàn. Trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi, vaccine phải trải qua tối thiểu ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người để đánh giá độ an toàn, khả năng phòng bệnh của vaccine, nên việc thử nghiệm lâm sàng rất quan trọng.
Covivac là vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam do IVAC nghiên cứu, phát triển, được thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn một vào giữa tháng 3-2021.
TS Dương Hữu Thái khẳng định kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng từ các đơn vị nghiên cứu ở Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam cho thấy Covivac có hiệu quả chống lại các biến chủng nCoV Anh, Nam Phi. Dự kiến cuối năm nay, IVAC cung cấp vaccine Covivac với giá 60.000 đồng một liều.
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TPHCM)