Nguyễn Thu Trang (một học sinh lớp 12 ở Hà Nội) chia sẻ, trước đây em từng theo học tại một trường THCS được coi là trường điểm tại Hà Nội.
Bố mẹ em đặt rất nhiều kỳ vọng vào em khi theo học tại lớp giỏi nhất khối.
Các bạn ở đó thi đua cùng nhau học và Trang cảm thấy mình kém cỏi so với các bạn.
“Dường như trong 4 năm học THCS, chưa bao giờ em cảm nhận được tình cảm, tình yêu từ giáo viên chủ nhiệm. Mọi người luôn nhìn em với ánh mắt là một học sinh dốt. Em cảm thấy không một ai hiểu mình hết. Và cũng vì là một học sinh dốt nên tất cả mọi hoạt động trong trường, mọi sinh hoạt của lớp nào em cũng không được tham gia”.
Những ngày tháng xám xịt bủa vây cô nữ sinh nhỏ khi em cảm nhận rằng không ai công nhận sự cố gắng của em, không ai cho em được thể hiện, phát huy thế mạnh của bản thân mình.
“Sự tủi thân nhất trong 4 năm cấp THCS mà em không bao giờ quên được đó là cô giáo chủ nhiệm đã từng gọi điện cho các bác ở ban phụ huynh nói rằng: Ôi, con bé này học dốt. Con bé này là học sinh cá biệt của lớp. Ý muốn nói là không nên cho con giao du với các học sinh khác ở lớp. Và suốt 4 năm cấp THCS, em bị 2/3 bạn bè trong lớp xa lánh. Em gần như không được thầy cô tin yêu, không được bạn bè nhìn thấy sự cố gắng”.
Bản thân Trang cũng tìm cách và rất cố gắng để học tập, rèn luyện bản thân. Thậm chí, học kỳ 2 lớp 8, em đã đủ điểm trung bình chung được học sinh giỏi và điều này khiến em rất vui. Nhưng buổi tổng kết, cô giáo bảo rằng em không được học sinh giỏi. Bởi điểm tổng kết trung bình cả năm môn Toán của em bị thiếu 0,1 điểm.
“Em cảm thấy rất buồn khi mọi sự cố gắng của mình không được một ai công nhận. Các thầy cô không công nhận sự cố gắng đó của em. Từ đó em cảm thấy không muốn cố gắng nữa và càng ngày càng bướng bỉnh hơn. Sự bướng bỉnh ấy theo em cho đến khi lên cấp THPT”.
Tương lai của Trang có lẽ đã rẽ sang một hướng khác nếu như không gặp được gặp cô chủ nhiệm Đào Thị Linh khi em bước vào bậc THPT với một ngôi trường mới.
Em nhớ, ngay trong buổi nhận lớp đầu tiên, cô đã nói trước cả lớp rằng cô quan tâm đến hạnh phúc của lớp, của các học sinh hơn là việc học tập. “Hạnh phúc trước, học tập sau”, cô giáo đã nhấn mạnh như vậy.
Và tại mái trường THPT đó với sự hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, em đã được thể hiện mình, được tham gia rất nhiều hoạt động của trường. Và thậm chí, em còn được cô chủ nhiệm tin tưởng giao cho việc làm cán bộ lớp.
“Em cảm giác ở môi trường này, em được thể hiện mình, được khai phá tiềm năng, phát huy thế mạnh. Và cũng nhờ những lần được trải nghiệm, tham gia những sự kiện như thế mà em được hiểu hết bản thân mình, biết vị trí của mình ở đâu và thế mạnh của mình là gì để rồi phát huy”.
Đó là những điều mà em chưa bao giờ nghĩ đến khi ở cấp THCS với những áp lực từ việc bị coi là học dốt.
“Trước đây em chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ được mọi người, được bạn bè và thầy cô nhìn với một ánh mắt công nhận. Giờ đây em mới thật sự hạnh phúc vì được là chính bản thân mình, được khai phá tiềm năng.
Điều mà em thấy ở mái trường mình đang theo học là học tập rất quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là học sinh được rèn luyện kỹ năng của bản thân. Đó là kỹ năng sống. Em được trở thành là một trong những thành viên của câu lạc bộ Thủ lĩnh của trường và cũng là một trong những leader giỏi của trường”.
Để thấy những áp lực về học tập đôi khi có thể làm hỏng những đứa trẻ nếu không được “cứu vãn kịp thời”.
Câu chuyện này được Thu Trang chia sẻ tại chương trình Gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 28/5.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)