Nhiều giáo viên cho biết họ gặp áp lực thành tích từ nhiều phía, trong đó có kỳ vọng rất lớn của phụ huynh. Con học không giỏi, cha mẹ luôn nghĩ do thầy cô không dạy tận tâm.
Câu chuyện 42/43 em một lớp 6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận giấy khen học sinh giỏi một lần nữa xới lên chủ đề chất lượng, thành tích giáo dục trong trường học.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, học sinh bị điểm thấp, giờ học bị đánh giá không đạt, thầy cô chủ nhiệm "rất mệt". Phụ huynh tìm đến tận trường để chất vấn vì sao điểm con họ thấp, trong khi các cấp học trước luôn giỏi.
Ngoài ra, không ít hiệu trưởng yêu cầu giáo viên tìm cách nâng cao thành tích cho trường. Chuyện chấm điểm, đánh giá học sinh đã không còn là quyền hay chuyện của riêng giáo viên, bởi đủ thứ áp lực tác động.
Học sinh điểm cao, tất cả đều vui
Cô H., giáo viên một trường chuyên hàng đầu của TP.HCM, cho biết cô bất ngờ khi biết một lớp học bình thường cũng có đến 42/43 em xếp loại giỏi. Trong khi, dù là trường chuyên, đầu vào là "sao", nhiều lớp của trường cô vẫn có học sinh trung bình, số học sinh giỏi trong lớp cũng không quá áp đảo.
Dù vậy, cô H. thừa nhận vấn đề học sinh giỏi tràn lan, điểm tổng kết "trên trời" đã không còn quá xa lạ những năm gần đây. Nữ giáo viên cho rằng có thể thầy cô gặp áp lực thành tích từ nhiều phía. Các thầy cô buộc phải cho học sinh khá, giỏi để dễ ăn nói với cấp trên và cả phụ huynh. Hơn nữa, họ cũng phải suy nghĩ đến thi đua, xếp hạng, ngạch nâng lương... của chính mình.
"Giáo viên chủ nhiệm muốn thành tích lớp tốt thì cũng phải gây áp lực với thầy cô dạy bộ môn. Không muốn mất lòng nhau, đồng nghiệp cũng cho điểm thoáng để không phải lời qua tiếng lại. Như vậy, học sinh điểm cao, lớp nhiều học sinh giỏi sẽ đẹp lòng tất cả", cô H. cho biết.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên THPT tại Thanh Hóa, thông tin chuyện một lớp 98%, thậm chí 100% học sinh giỏi quá bình thường, nam giáo viên đã gặp nhiều và thậm chí thầy từng được yêu cầu phải làm vậy.
Thầy Hiển cho hay ngay tại lớp mình dạy, có những học sinh không hề biết gì nhưng hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn yêu cầu thầy "phóng" điểm để em ấy đạt loại khá, giỏi vì chỉ tiêu có từ trước.
Chính thầy cũng từng bị đồng nghiệp cạnh khóe khi đánh giá lớp của họ chủ nhiệm tiết B, cho điểm kém một học sinh.
"Giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu luôn ngầm hiểu về chỉ tiêu số học sinh giỏi, khá, trung bình của mỗi lớp phải được 'điều tiết' ở mức như thế nào. Chỉ tiêu này không thể hiện trên giấy tờ nhưng trong các cuộc họp, những câu nói như 'thầy cô nên thương học sinh, nghĩ cho thành tích nhà trường' xuất hiện nhiều lần, ám ảnh giáo viên", thầy Hiển nói.
Biểu hiện của những con điểm trên trời, học sinh giỏi tràn lan, chính là tham vọng, thành tích của người lớn. Chính thầy cô và cha mẹ đã dạy con trẻ sự gian dối.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu
Đánh giá vấn đề này, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), cho rằng chuyện học sinh giỏi tràn lan, thầy cô chấm điểm vô tội vạ đã là "căn bệnh trầm kha" của ngành giáo dục. Ông cho rằng nó khó cứu chữa vì bệnh thành tích dắt dây cả một hệ thống.
"Vừa là giáo viên cũng vừa là phụ huynh, tôi rất không đồng tình với cách cho điểm, xếp loại, đánh giá một cách dễ dãi của nhiều thầy cô. Những giáo viên như vậy là không có tự trọng, không có trách nhiệm với những mầm non mà mình dạy dỗ. Họ dạy học sinh gian dối, không trung thực với thực lực của mình ngay từ khi còn nhỏ", thầy Hiếu nói.
Giáo viên này cho rằng thầy cô cho điểm vô tội vạ đáng trách nhưng họ chỉ là một mắt xích trong sợi dây thành tích. Trách giáo viên thì cũng không thể không nhắc đến người đứng đầu nhà trường đã gây sức ép, buộc thầy cô phải cho điểm không đúng để họ có thành tích báo cáo với cấp trên trong mỗi cuộc họp, sau đó là đề nghị được khen, thưởng...
Áp lực của người đứng đầu nhà trường cũng chỉ để phục vụ cho những bản báo cáo cấp cao hơn.
Tham vọng của phụ huynh
Áp lực thành tích với thầy cô không chỉ đến từ cấp trên. Sự kỳ vọng, gửi gắm của phụ huynh cũng là gánh nặng đối với giáo viên.
Theo cô H., không chỉ ở trường công, giáo viên mới gặp áp lực thành tích. Ở các trường tư, trường quốc tế, học sinh không đạt loại giỏi sẽ là vấn đề đau đầu của thầy cô. Phụ huynh có quyền đặt câu hỏi và gây áp lực rằng tại sao họ nộp học phí hàng chục, trăm triệu một năm, con họ lại không học giỏi? Phải chăng là thầy cô không dạy dỗ tận tâm hay không có trình độ?
"Đôi khi, giáo viên cho điểm thấp hay đề khó là phụ huynh đã lên tiếng vì sao con họ điểm thấp, vì sao giáo viên ra đề quá khó. Thậm chí, họ can thiệp sâu vào chuyên môn. Nếu con thi điểm thấp phụ huynh luôn nghĩ rằng do cô giáo không quan tâm, dạy không tốt. Giáo viên rất áp lực nên một số người chọn phương án 'biết điều' để không mất lòng phụ huynh", cô H. chia sẻ.
Thầy Hiển kể lại rằng chính thầy đã bị phụ huynh đến tận trường chất vấn về điểm số của con mình.
"Một học sinh từ cấp một đến cấp hai đều là học sinh giỏi, nhưng lên lớp 10, em học sa sút, không giữ được danh hiệu. Phụ huynh em này đến trường chất vấn tôi tại sao điểm em thấp như thế, sao em không có tên trong đội bồi dưỡng học sinh giỏi Văn.
Dù tôi đã giải thích từ cấp hai lên cấp ba, mọi thứ rất khác, tâm sinh lý các em cũng thay đổi, dẫn đến sao nhãng chuyện học hành, phụ huynh vẫn không hiểu. Sau đó, người này tìm đến hiệu trưởng để gây áp lực với tôi, buộc phải thay đổi điểm số cho em ấy", thầy Hiển kể lại.
Thầy giáo này cho rằng nhiều cha mẹ không chỉ mong con mình giỏi, mà còn phải giỏi hơn bạn bè và điều đó thể hiện qua điểm số, bằng khen. Không những đốc thúc con học nhiều để đạt kết quả tốt, phụ huynh còn tìm đủ cách đánh tiếng, nhờ cậy, gửi gắm giáo viên để con mình được điểm cao. Nếu con họ điểm cao, tất cả đều vui, nhưng chẳng may điểm thấp, không có giấy khen, đó là lỗi của giáo viên, do giáo viên "dở".
"Nói cho cùng, biểu hiện của những con điểm trên trời, học sinh giỏi tràn lan, chính là tham vọng, thành tích của người lớn. Chính thầy cô và cha mẹ đã dạy con trẻ sự gian dối. Những vụ việc gian lận điểm thi, biến học sinh dốt thành thủ khoa đại học như vừa qua là hệ lụy của thành tích ảo đó.
Điểm cho không đúng thực lực, học sinh, phụ huynh ảo tưởng về thành tích, sống chung với dối trá, gian lận là căn nguyên sâu xa của những vụ gian lận điểm thi chấn động", thầy Hiếu nêu ý kiến.
Theo Minh Nhật (Tri Thức Trực Tuyến)