Video ảnh: Đà Nẵng sạch sẽ sau 2 ngày huy động cả thành phố dọn rác do mưa lũ
Sáng 21/12, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành 2018 và phương hướng nhiệm vụ 2019.
Công tác dự báo thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ...
"Tính đến ngày 20/12, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích", ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Ngoài công tác chỉ đạo điều hành thường xuyên để ứng phó với thiên tai, Tổng cục này còn tham mưu trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau thiên tai, hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung.
Tổng cục Phòng chống thiên tai bước đầu ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo đạt hiệu quả cao, huy động nhiều nguồn lực từ tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo chuyên dùng; công cụ cảnh báo mưa vượt ngưỡng cho các tỉnh miền núi; ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý đê điều; Xây dựng và áp dụng thử nghiệm ứng dụng hệ thống "đê mềm" tại tỉnh Nam Định, đập Geotube ngăn mặn, giữ ngọt tại tỉnh Bến Tre.
"Đây là những giải pháp hết sức mới tại Việt nam, có nhiều ưu điểm vượt trội trong phòng chống thiên tai. Từ đó mở ra những giải pháp tốt hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai", vị Phó tổng cục trưởng thông tin.
Tuy nhiên, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng chỉ ra một số hạn chế như: Thiệt hạn còn lớn, công tác khắc phục hậu quả một số nơi chưa kịp thời, nhận thức của chính quyền các cấp, người dân chưa chủ động, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là dự báo mưa định lượng, lũ quét, sạt lở đất...
'Có thiệt hại về người, chính quyền chưa thấy đâu'
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh năm 2018, mặc dù thiên tai không quá khắc nghiệt như năm 2017, tuy nhiên vẫn rất khốc liệt khi có thời 15 dạng hình thiên tai xảy ra.
Ông đưa dẫn chứng về sự bất thường của thời tiết: Trận mưa vào 23-24/6 ở các tỉnh miền núi phía Bắc, lũ sớm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cơn bão số 9 (bão vào cách bờ 50 km hầu như đứng im. Đây là điều hiếm thấy, do tác động của không khí lạnh) hay như đợt mưa lũ cuối năm vừa qua ở các tỉnh miền Trung...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở mức thấp. Lực lượng quân đội, công an vẫn là lực lượng nòng cốt, tham gia tích cực trong việc phòng chống, ứng phó hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt do thiên tai.
Theo ông, năm 2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai cần đẩy mạnh hoàn thiện bộ máy nhân sự đối với công tác ứng phó thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo để làm cơ sở cho công tác phòng chống ứng phó thiên tai.
Đơn vị này cần chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo công tác dự báo ngày càng chính xác, hiệu quả. Đồng thời rà soát lại các nguồn lực để đảm bảo hỗ trợ người dân và các địa phương kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
"Vừa rồi, một số nơi xảy ra thiên tai, có thiệt hại về người nhưng chính quyền chưa thấy đâu, nhất là vùng sâu vùng xa. Năm tới không để xảy ra trường hợp như thế này nữa. Chúng ta phải tiếp cận từ đầu để giúp dân di dời đến vùng an toàn, tránh thiệt hại lớn", Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh.
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)