Phương án này được cho là giải pháp buộc học sinh phải học toàn diện, tránh học lệch. Nhiều giáo viên đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thi nhiều môn như vậy là quá áp lực với học sinh, bên cạnh đó, cũng sẽ không hạn chế được tình trạng học tủ, học lệch.
Thi thêm môn, tăng thêm áp lực
Kể từ tháng 4, khi Hà Nội bắt đầu xin ý kiến về phương án thi mới, phụ huynh, học sinh dự thi lớp 10 năm học 2019-2020 đã đôn đáo đi tìm lớp học thêm.
Nghĩ về áp lực thi cử sắp tới của con, bà Đỗ Thị Hạnh (có con học lớp 9 tại Trường THCS Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Những năm trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Giờ tăng lên thành 4 môn, biết có mặt tích cực là giúp học sinh học đều các môn, giảm tình trạng học lệch, học tủ, nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm áp lực”. Đây cũng là suy nghĩ của không ít phụ huynh cho rằng thi thêm môn sẽ tăng áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến là làm cho việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng hơn.
Bàn về quyết định này, bà Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Marie Curie, Hà Nội) nhận định việc nâng môn thi từ 2 lên 4 môn là không nên vì đây là kỳ thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp để cần thiết phải kiểm tra nhiều môn thi. Theo bà Lê, việc tăng số môn thi sẽ gây thêm áp lực cho học sinh, hơn nữa, đến tháng 3, Sở GDĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 theo kiểu “ú tìm” càng khiến tâm lý học sinh thêm nặng nề.
Mặt khác, nữ giáo viên này cho rằng, việc thi nhiều môn cũng không là giải pháp tốt để tránh học tủ học lệch.
“Việc học toàn diện hay nói cách khác là đào tạo một con người toàn diện là khái niệm, là quy chuẩn cần xem lại. Học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay thì không phải là toàn diện. Chương trình hiện nay chưa có các môn kỹ năng, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất bị xem nhẹ, các môn khoa học quá hàn lâm. Mặt khác, không thể đòi hỏi người học hứng thú và học tốt tất cả các môn nên cần có môn tự chọn. Muốn toàn diện thì phải thay đổi từ cơ cấu môn học giờ học chứ không phải thay đổi thi cử” - cô giáo Lê nói.
Thi thêm môn là không cần thiết - đó cũng là quan điểm của thầy giáo Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội). Trong thời gian Sở GDĐT Hà Nội lấy ý kiến về phương án thi, ông Hùng đã ủng hộ phương án giữ ổn định kỳ thi vào lớp 10, chỉ thi hai môn Văn - Toán, kết hợp xét tuyển.
Nói về lý do đưa ra lựa chọn này, ông Hùng phân tích: “Quan điểm của Sở GDĐT đưa ra là thi nhiều môn để đảm bảo việc học toàn diện, đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện ở cấp học dưới. Tôi thấy điều đó cũng được sở yêu cầu thông qua phương án tuyển sinh cũ rồi. Đó là học sinh được cộng điểm quy đổi, điểm rèn luyện 4 năm.
Thực ra, muốn đạt học sinh giỏi, các em phải nỗ lực học đều hết các môn. Nếu các thầy cô dạy học nghiêm túc, không có chuyện làm đẹp học bạ, thì hình thức dùng điểm tổng kết các năm để quy đổi tính điểm xét tuyển khi học sinh thi vào lớp 10 cũng là một cách để học sinh học toàn diện” - ông Hùng bày tỏ.
Hiện nay, khi Sở GDĐT Hà Nội đã chốt phương án thi theo hướng thi 4 môn để đảm bảo học sinh học toàn diện, ông Hùng cho rằng cách tốt nhất là cần công bố sớm đề thi minh họa, để học sinh có hướng ôn tập.
Thận trọng trong cách ra đề thi
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - lại cho rằng, áp lực không nằm ở việc thi 2 môn hay 4 môn, mà nằm ở cách ra đề thi.
“Quan điểm của tôi là có học thì phải có thi, như vậy mới có kết quả. Dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có dẫn đến dạy học thêm tràn lan không, tôi cho rằng, câu chuyện chống dạy học thêm tràn lan là một quá trình và thi cũng là một cách. Chúng ta hãy thử nhìn xem, với kỳ thi THPT quốc gia khi đổi mới cách thi việc luyện thi, lò luyện không còn nhiều nữa. Vì thế, cần thiết nghiên cứu cách ra đề thi để có thể giảm áp lực thi. Đề thi cần theo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng” - ông Lâm chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng THCS-THPT Lê Quý Đôn - đề xuất, bên cạnh đổi mới hình thức dạy và học, hình thức thi cử nhằm vừa giảm áp lực vẫn đảm bảo giáo dục học sinh toàn diện, chính từ các gia đình, phụ huynh cần xem xét thực chất lực học của con mình đang ở mức độ nào, để đăng ký trường học cho phù hợp. “Nhiều khi chính phụ huynh kỳ vọng quá khả năng của con mình, dẫn đến tạo áp lực không nhỏ đối với các em” - ông Bình nói. Vị hiệu trưởng cũng kiến nghị, Sở GDĐT Hà Nội nêu cách thức xây dựng ma trận đề, kiến thức từng cấp độ để giáo viên nắm được để xây dựng bài giảng cho các em.
Đề thi không “đánh đố” học sinh
Trước những lo lắng của phụ huynh, học sinh về việc tăng số môn thi từ 2 môn lên 4 môn thi, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, phương án thi mới không quá tải. Theo chương trình giáo dục THCS hiện tại, học sinh phải học khoảng 14 môn vì thế, thi 4 môn là không nhiều. Nội dung thi sẽ đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GDĐT, nội dung theo chuẩn chương trình sách giáo khoa. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm tốt được bài. Các câu hỏi được phân chia theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, một số câu thuộc vận dụng cấp độ thấp. Hình thức thi cũng nhẹ nhàng kết hợp tự luận và trắc nghiệm, trong đó, môn Toán và Ngữ văn sẽ là tự luận, môn Ngoại ngữ kết hợp tự luận với trắc nghiệm. Môn còn lại sẽ thi 100% trắc nghiệm, rất nhẹ nhàng với học sinh.
Lịch thi sớm hơn 1 tuần
Theo kế hoạch dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3.6, sớm hơn 1 tuần so với năm học trước.
Việc đẩy sớm thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhằm tạo khoảng cách phù hợp về thời gian giữa kỳ thi này với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tạo thuận lợi cho các trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. H.N - Đ.C
Theo Nguyễn Huyên- Đặng Chung (Lao Động)