Cận cảnh khám nhà cán bộ Sở GDĐT vụ sửa bài, nâng điểm thi ở Sơn La
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 23/3, kết luận của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định cho thấy thí sinh có điểm thi sau chấm thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán, 9 điểm. Như vậy, thí sinh này trượt tốt nghiệp sau khi chấm thẩm định.
Theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả chấm thẩm định này là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo Sở GD&ĐT Sơn La cập nhật kết quả thi của các thí sinh, xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.
Các trường liên hệ chặt chẽ với Sở GD&ĐT Sơn La để được cung cấp các thông tin liên quan.
Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Sơn La xác minh để lập hồ sơ vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Quá trình điều tra kéo dài từ sau kỳ thi năm 2018 đến nay mới có kết luận.
Cũng liên quan vụ việc gian lận thi THPT quốc gia 2018, ngày 19/3, Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, thông tin sở này đã hoàn thành việc cập nhật điểm của 64 thí sinh được kết luận nâng điểm.
Một em không đủ điều kiện chứng nhận tốt nghiệp. Sở GD&ĐT Hòa Bình đã làm các thủ tục để thông báo đến thí sinh nhưng không công khai thí sinh liên quan gian lận vì sợ các em tổn thương.
Nhiều ý kiến cho rằng việc công khai danh tính thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình có thể cần cân nhắc nhưng nhất thiết phải làm rõ có “con ông cháu cha” trong đó không và phải công khai việc xử lý với những trường hợp trúng tuyển.
Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018, điểm tốt nghiệp được tính theo công thức: Điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia (khi đăng ký để xét tốt nghiệp) cộng điểm trung bình năm học lớp 12 chia cho 2 và cộng với điểm ưu tiên sao cho từ 5,0 trở lên. Thí sinh sẽ trượt tốt nghiệp khi có điểm dưới 5,0.
Trường hợp thứ hai là học sinh bị điểm liệt ở bất kỳ môn thi nào (dưới 1 điểm), hoặc vi phạm kỷ luật ở hình thức hủy bài thi.
- Ngày 18/7/2018: Dư luận đặt nghi vấn với điểm thi THPT quốc gia của tỉnh Sơn La. Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập tổ công tác, rà soát điểm thi tại tỉnh này.
- Ngày 20/7/2018: Bộ GD&ĐT ban hành quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi tại Sơn La.
- Ngày 21/7/2018: Tổ công tác phát hiện có dấu hiệu chỉnh sửa điểm bài thi tại Sơn La, cơ quan công an điều tra.
- Đến ngày 22/8/2018, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 6 bị can. Đó là ông Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm).
Ba bị can khác là ông Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm); ông Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký); bà Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La).
Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)