Thí sinh phấn chấn
Em Bùi Thanh Ngọc, lớp 9A2 Trường THCS Thanh Xuân Nam, rất vui mừng sau khi kết thúc buổi thi môn Văn với nhận xét "đề thi dễ".
"Phần nghị luận xã hội có vẻ khó nhất vì đòi hỏi liên hệ thực tế để nói về vẻ đẹp tâm hồn của con người, còn lại dễ hết. Em làm bài thừa đến 30 phút và có thời gian soát lại bài khá kỹ".
Ngọc dự kiến đạt ít nhất 8 điểm và khá tự tin vào nguyện vọng Trường THPT Nhân Chính nếu kết quả Toán và Anh cũng như vậy.
Tại điểm thi Trường THCS Phan Đình Giót, nhiều thí sinh vui vẻ ra về.
Em Nguyễn Trang Linh, lớp 9B4 Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh nhận xét đề thi khá dễ so với em, nếu so với đề Văn năm ngoái thì có vẻ dễ hơn. Đề không có nội dung ngoài kiến thức sách giáo khoa.
Linh ấn tượng nhất là Phần nghị luận xã hội về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng tâm hồn đẹp.
“”Em làm hết đề và hoàn tất bài thi trước khoảng 30 phút theo quy định, dự kiến được khoảng 8 điểm.
Nhưng tất nhiên đó cũng chỉ là dự đoán của em còn kết quả điểm cụ thể thì còn phụ thuộc giáo viên chấm thi và nhiều yếu tố khác" – Linh chia sẻ.
Điểm trung bình trên dưới 7 điểm?
Về phía giáo viên, chia sẻ với VietNamNet, cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ Văn - Sử của Trường THCS Thái Thịnh đánh giá đề thi tương đối vừa sức và vẫn có câu hỏi phân hóa, học sinh vẫn có thể phát huy phẩm chất, năng lực của mình.
Về cấu trúc đề, theo cô Hằng, khá giống với các năm trước, học sinh đã khá quen thuộc. Đề bài không yêu cầu thí sinh phải học thuộc nhiều mà phải thực sự hiểu nội dung cũng như có kĩ năng cảm thụ.
Ở phần I, cô Hằng cho rằng Câu 1 tương đối cơ bản, đa số học sinh sẽ làm tốt câu này. Câu , học sinh cần có sự hiểu biết, năng lực cảm thụ để làm. Tuy nhiên hình ảnh “ giọt long lanh” cũng khá quen thuộc và được các thầy cô dậy tương đối kĩ.
Câu 4, luận điểm cho viết đoạn văn khá rõ, yêu cầu không còn xa lạ gì.
Ở phần II, câu hỏi nghị luận xã hội với chủ đề sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn khá hay. Học sinh cần có những hiểu biết về xã hội, về cuộc sống xung quanh và đặc biệt thấu tỏ sự vô giá của vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người thì mới có thể viết sâu sắc vấn đề này. Câu hỏi này có tính phân loại cao.
“Tóm lại, đề khá phù hợp với tình hình học tập vừa online vừa trực tiếp trong năm học vừa qua” - cô Hằng nhìn nhận.
Với đề thi này, cô Hăng dự kiến phổ điểm trung bình của môn Văn sẽ khoảng trên dưới 7 điểm như mọi năm.
Cô Dương Thuỳ Linh, Trưởng bộ môn Ngữ Văn khối THCS của Trường THCS và THPT M. V. Lômônôxốp (Hà Nội) nhận định “Câu hỏi đầu tiên về thể thơ sẽ giúp học sinh dễ dàng lấy điểm, vế thứ hai hỏi về mạch cảm xúc là câu hỏi đúng với đặc trưng thể loại thơ, học sinh cần tránh nhầm lẫn giữa mạch cảm xúc và bố cục của bài thơ.
Câu hỏi thứ 2 đề cập đến một hình ảnh thơ giàu sức gợi trong tác phẩm. Về cơ bản, học sinh có thể hiểu được ý nghĩa của hình ảnh nhưng để giành được điểm cao thì đòi hỏi các em phải có những liên tưởng, cảm nhận riêng, biết đặt hình ảnh trong tổng thể khổ thơ cũng như bài thơ để cảm nhận hết giá trị.
Câu hỏi thứ 3 yêu cầu học sinh kể tên một văn bản trong chương trình Ngữ văn THCS có cùng đề tài mùa xuân là câu hỏi liên hệ quen thuộc, phạm vi câu trả lời ở diện rộng nên vừa sức với các em.
Câu 4 viết đoạn văn nghị luận văn học thuộc phạm vi kiến thức cơ bản, dễ khơi gợi cảm hứng cho học sinh. Điểm thử thách các em ở câu này chính là dành điểm tuyệt đối ở yếu tố hình thức đoạn văn. Câu kết đoạn tổng – phân – hợp không chỉ dừng lại ở việc tổng kết vấn đề mà còn phải nâng cao, đánh giá được giá trị nghệ thuật cũng như tài năng, phong cách của tác giả…”, cô Linh phân tích.
Về phần II, theo cô Linh, “Vấn đề đặt ra trong đoạn văn nghị luận xã hội khá hay. Đề bài yêu cầu bàn luận về một vấn đề thuộc phạm vi tư tưởng, đạo lí, nhưng đồng thời có thể liên hệ với những thực trạng đang diễn ra trong đời sống xã hội.
Các em phải hiểu được vai trò, giá trị của việc nuôi dưỡng tâm hồn trong mỗi con người, bên cạnh đó các em hoàn toàn có thể chỉ ra những biến đổi, nhìn thấy những biểu hiện đi ngược lại chuẩn mực đạo đức đang xuất hiện trong một bộ phận nhỏ của xã hội”.
Cô Phùng Thu Quỳnh, giáo viên Trường THCS Đống Đa, cũng đánh giá đề thi năm nay không chỉ yêu cầu thuộc lòng máy móc mà còn chú ý đến thái độ, nhận thức của các em về các vấn đề đời sống xã hội.
Đề cũng mang tính giáo dục, phát huy chủ động, sáng tạo của học sinh khi làm bài.
Theo cô Quỳnh, chương trình Ngữ Văn 9 năm học 2021-2022 đã giảm tải nhiều văn bản. Cộng với việc học sinh học trực tuyến kéo dài, do vậy đề ra vào phần văn bản học kì II (giai đoạn học trực tiếp) nên các em cũng được ôn luyện sát và làm các dạng bài như đề thi nhiều lần.
Cụ thể hơn, cô Quỳnh cho biết các câu 1,2 là những dạng câu hỏi học sinh thường gặp trong khi học thơ. Với câu 3, học sinh có thể liên hệ đến các tác phẩm: Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng) ở lớp 7, Ông đồ (Vũ Đình Liên) ở lớp 8…
Ở phần II - đây là bài đọc hiểu kết hợp hỏi phần nghị luận xã hội nên thí sinh chỉ cần đọc cẩn thận và xác định đúng sẽ làm tốt. Chủ đề “Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng tâm hồn đẹp” là vấn đề nghị luận xã hội hay, mở, phù hợp với nhận thức, tình cảm của học sinh.
Theo cô Quỳnh, bài nghị luận xã hội của đề thi này sẽ phát huy được tính sáng tạo và năng lực của từng học sinh. Đặc biệt, các thầy cô rất chờ đợi những dẫn chứng hay, nêu vai trò - ý nghĩa sâu sắc và phần liên hệ sáng tạo của học sinh.
Cô Quỳnh đánh giá, với đề thi này, học sinh chăm chỉ, kiến thức chắc, kĩ năng tốt sẽ đạt điểm từ 7,5-8,5, học sinh trung bình sẽ làm được khoảng 5-7 điểm.
Theo Thanh Hùng - Thúy Nga (VietNamNet)