Thẻ căn cước công dân có thay thế hộ chiếu để đi nước ngoài?

08/06/2023 14:46:32

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ. Căn cước công dân chỉ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế.

Căn cước công dân là gì?

Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định như sau:

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.

Thẻ căn cước công dân được hiểu một cách đơn giản là một loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam, trong đó phải ghi rõ và có đầy đủ thông tin cá nhân của công dân.

Bên cạnh đó, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân được quy định tại Điều 18 Luật này, cụ thể:

- Thẻ căn cước công dân gồm thông tin sau đây:

+ Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ "Căn cước công dân"; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

+ Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

- Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ Căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân có thay thế hộ chiếu để đi nước ngoài? - Ảnh 2.
Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ.

Hộ chiếu – Passport là gì?

Theo Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh), hộ chiếu (hay còn gọi là passport) là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Trên hộ chiếu có đầy đủ các thông tin cơ bản, bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. Ngôn ngữ trong hộ chiếu bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Do có đầy đủ các thông tin về nhận diện cá nhân, nên trong trường hợp bị mất chứng minh thư hay chưa được cấp căn cước công dân có thể sử dụng hộ chiếu thay thế để:

Thực hiện giao dịch tại ngân hàng.

Yêu cầu cấp lại giấy phép lái xe bị mất.

Làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến tàu bay nội địa.

Đến ngân hàng rút tiền.

Ký kết hợp đồng.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử

Từ ngày 1/3/2023, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp.

Hộ chiếu gắn chíp điện tử cơ bản giống với hộ chiếu không gắn chíp điện tử với bìa màu xanh tím than, các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam.

Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Để phân biệt với hộ chiếu không gắn chíp điện tử, ở trang bìa đầu tiên của cuốn hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử.

Chíp điện tử được đặt tại trang bìa sau của cuốn hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân thân và thông tin sinh trắc học của người được cấp hộ chiếu (gồm ảnh mặt, vân tay…) và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.

Những lợi ích cơ bản của hộ chiếu có gắn chíp điện tử:

Tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước có ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu.

Giúp người sở hữu được ưu tiên khi xét duyệt thị thực nhập cảnh.

Có tính bảo mật thông tin cao do được lưu trữ trong con chíp nên rất khó sao chép thông tin.

Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Thẻ căn cước công dân có thay thế hộ chiếu để đi nước ngoài? - Ảnh 3.
Hộ chiếu có gắn chip điện tử giúp người sở hữu được ưu tiên khi xét duyệt thị thực nhập cảnh.

Hộ chiếu Việt Nam được đi bao nhiêu nước mà không cần visa không?

Theo bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực mà Passport Index mới công bố, cuốn hộ chiếu màu xanh tím của Việt Nam đang xếp hạng thứ 90. Với cuốn hộ chiếu màu xanh tím này, công dân Việt Nam có thể đi du lịch 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần xin visa trước hoặc có thể xin visa điện tử, visa tại cửa khẩu một cách dễ dàng.

Để được miễn visa cần đáp ứng đủ các điều kiện:

Là công dân Việt Nam và có hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng.

Mục đích đi du lịch rõ ràng.

Miễn hoặc được cấp visa tại cửa khẩu của điểm đến.

Tại sao cần làm hộ chiếu xuất nhập cảnh?

Hộ chiếu xuất nhập cảnh là một giấy tờ quan trọng được cấp bởi chính phủ để xác thực danh tính và quốc tịch của công dân khi ra nước ngoài. Việc có hộ chiếu xuất nhập cảnh giúp cho việc kiểm soát quá trình nhập cảnh và xuất cảnh được thuận tiện hơn, từ đó đảm bảo an ninh quốc gia và giảm thiểu những nguy cơ an ninh.

Ngoài ra, hộ chiếu xuất nhập cảnh còn là một trong những điều kiện bắt buộc để nhập cảnh vào một số quốc gia. Vì vậy, hộ chiếu xuất nhập cảnh được coi là một giấy tờ quan trọng không thể thiếu đối với những người thường xuyên đi ra nước ngoài. Loại giấy tờ này sẽ giúp cho chính phủ dễ dàng kiểm soát quá trình nhập cảnh và xuất cảnh một cách an toàn và hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh quốc gia.

Nếu muốn nhập cảnh vào một số quốc gia, thì hộ chiếu xuất nhập cảnh là một trong những điều kiện bắt buộc. Việc làm hộ chiếu xuất nhập cảnh là rất cần thiết để đảm bảo việc di chuyển của bạn được thuận tiện và an toàn, đồng thời tránh được những rủi ro về an ninh.

Lợi ích của việc làm hộ chiếu xuất nhập cảnh

Việc làm hộ chiếu xuất nhập cảnh mang lại nhiều lợi ích vô cùng quan trọng cho cá nhân. Đặc biệt là khi bạn có kế hoạch đi du lịch, công tác hay thăm thân nhân ở nước ngoài. Những lợi ích nổi bật của việc làm hộ chiếu xuất nhập cảnh có thể kể đến như sau:

Hộ chiếu xuất nhập cảnh giúp cho việc kiểm soát quá trình nhập cảnh và xuất cảnh được thuận tiện hơn. Đảm bảo an ninh quốc gia và giảm thiểu những nguy cơ an ninh.

Hộ chiếu xuất nhập cảnh là một trong những điều kiện bắt buộc để bạn được phép nhập cảnh vào một số quốc gia. Do đó việc làm hộ chiếu xuất nhập cảnh là rất cần thiết khi bạn có kế hoạch ra nước ngoài.

Khi đã có hộ chiếu, bạn sẽ không cần phải làm lại thủ tục này nếu đi lại giữa các quốc gia khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn, giúp bạn tiết kiệm thêm thời gian.

Khi xin visa, hộ chiếu xuất nhập cảnh là một trong những giấy tờ quan trọng để chứng minh danh tính và quốc tịch của bạn. Việc có hộ chiếu xuất nhập cảnh sẽ giúp tăng khả năng xin visa thành công.

Thẻ căn cước công dân gắn chip có thể thay thế hộ chiếu trong mọi trường hợp khi đi nước ngoài được không?

Theo Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân như sau:

"Điều 20. Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu quy định trên, căn cước công dân gắn chip chỉ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân các nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Như vậy, thẻ Căn cước công dân không có giá trị thay thế hộ chiếu khi đi đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Thẻ Căn cước công dân gắn chip chỉ được sử dụng thay thế hộ chiếu khi người dân đi tới các quốc gia mà Việt Nam có thỏa thuận sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip thay hộ chiếu.

Thẻ căn cước công dân có thay thế hộ chiếu để đi nước ngoài? - Ảnh 4.
Căn cước công dân gắn chip chỉ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước.

Pháp luật cho phép loại giấy tờ nào được sử dụng thay hộ chiếu?

Hộ chiếu hay passport là một loại giấy tờ tùy thân để xuất, nhập cảnh. Trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm cá nhân, quốc tịch của người được cấp.

Cụ thể, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 định nghĩa:

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Trên hộ chiếu sẽ gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân…

Hiện nay, pháp luật quy định có 2 thứ được sử dụng thay cho hộ chiếu trong một số trường hợp là:

Căn cước công dân

Tại Khoản 2, Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:

Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Bên cạnh đó, Khoản 5, Điều 3 Thông tư 06/2021/TT-BCA cũng nêu rõ:

Ngôn ngữ khác trên thẻ căn cước công dân là Tiếng Anh, là điều kiện để công dân Việt Nam sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu khi Việt Nam ký kết điều ước thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Như vậy, công dân có thể sử dụng căn cước công dân thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Trên môi trường điện tử, danh tính điện tử là tập hợp dữ liệu số trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cho phép xác định duy nhất một cá nhân.

Mỗi danh tính điện tử sẽ gắn với một tài khoản định danh, là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tài khoản định danh điện tử sẽ có hai mức độ. Trong đó, Khoản 2, Điều 5 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị sử dụng tương đương Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do bên sử dụng dịch vụ quyết định.

Theo L.Vũ (Giadinh.suckhoedoisong.vn)

Nổi bật