Kể từ 20/10/2022, khi Nghị định 59/2022 có hiệu lực, công dân Việt Nam chính thức được sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện một số giao dịch hành chính, dân sự. Với mức độ 2, tài khoản định danh có giá trị tương đương với thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Đến nay, Bộ Công an đã phê duyệt hàng chục triệu tài khoản định danh, các quy định về định danh điện tử cũng được tuyên truyền rất nhiều. Dù vậy, có một số người vẫn thắc mắc tài khoản định danh điện tử và thẻ CCCD gắn chip có gì khác nhau, đã cấp CCCD rồi vì sao vẫn cần đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Vì sao có CCCD gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử?
Theo Bộ Công an, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.
Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Mặt khác, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay.
Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.
Tài khoản định danh điện tử cũng tích hợp nhiều thông tin, giấy tờ của người dân khi thực hiện đăng ký. Công dân có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
Đáng chú ý, theo dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử ở mức 2, sẽ có giá trị sử dụng như CCCD đối với người Việt Nam, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế đối với người nước ngoài.
Ngoài ra, khi cá nhân hoặc tổ chức cung cấp danh tính điện tử theo tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bên sử dụng danh tính điện tử (cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có yêu cầu sử dụng danh tính số) không được yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ khác để chứng minh thông tin cá nhân đã cung cấp.
Lưu ý của Bộ Công an khi đăng ký tài khoản định danh điện tử
Bộ Công an lưu ý, nếu công dân được cấp phê duyệt tài khoản định danh điện tử thì sẽ nhận được tin nhắn thông báo có nội dung "Cuc Canh sat QLHC ve TTXH thong bao: Ho so dang ky tai khoan dinh danh dien tu cua cong dan da duoc phe duyet. De nghi truy cap ung dung VNeID hoac dia chi https://vneid.gov.vn de kich hoat tai khoan".
Từ đó, người dân sẽ kích hoạt theo hướng dẫn trong tin nhắn để thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử của mình.
Hành khách đi máy bay được sử dụng tài khoản định danh điện tử
Từ 1/6 đến hết ngày 1/8, các chuyến bay nội địa tại tất cả các sân bay trên cả nước sẽ thí điểm chấp nhận hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thế căn cước công dân.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện việc sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 cho hành khách đi máy bay.
Thủ tục được thực hiện như sau:
Tại quầy check-in và khi boarding, chấp nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi hành khách làm thủ tục đi máy bay theo 2 bước:
Bước 1: Yêu cầu hành khách tự mở tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách;
Bước 2: Thực hiện đối chiếu ảnh của hành khách trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với người thật và đối chiếu thông tin hành khách của chuyến bay với thông tin trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không (vị trí kiểm tra giấy tờ đi máy bay), chấp nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi hành khách làm thủ tục đi máy bay bằng 2 bước:
Bước 1: Yêu cầu hành khách tự mở tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách;
Bước 2: Thực hiện đối chiếu ảnh của hành khách trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với người thật và đối chiếu thông tin hành khách của chuyến bay với thông tin trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Cục Hàng không Việt Nam cũng lưu ý chỉ thí điểm với hành khách tự nguyện.
Nhân viên hàng không tham gia thí điểm tự nguyện sử dụng điện thoại và tài khoản định danh điện tử của mình vào việc thí điểm.
Nhân viên hàng không tham gia thí điểm cam kết không sử dụng thông tin hành khách vào mục đích trái pháp luật.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu tại quầy check-in, luồng kiểm tra an ninh hàng không, điểm boarding thí điểm phải có biển bảng thông báo việc chấp nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi hành khách làm thủ tục đi máy bay (hành khách tự nguyện).
Các cảng hàng không bố trí địa điểm phù hợp và phối hợp với C06, Công an các địa phương để cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho hành khách đi máy bay.
NT (SHTT)