Ngày cuối tuần, phố Hàng Mã (Hà Nội) chật kín người. Theo quan sát của chúng tôi, đồ lễ “phu thê cho người âm” được rất nhiều người mua sắm. Cách đây một tuần, chị Hồ Thị Tám (phố Tam Trinh) đã tới đây đặt một bộ lễ “phu thê”. Chị chia sẻ: “Con gái tôi mất sớm, tính đến nay cháu 20 tuổi nên vợ chồng tôi muốn “đốt” cho con bộ quần áo phu thê gồm: Váy, áo vest và quần áo phu thê để con cưới chồng. Chắc dưới đó cũng giống trên dương thế…”.
Hình nhân – món hàng hút khách dịp rằm tháng Bảy. Ảnh: PV |
Không ít người còn đặt cả hình nhân để tặng người cõi âm. Thậm chí, những hình nhân đó được nhiều người lựa chọn khá kỹ lưỡng. Chủ một cửa hàng bán đồ mã trên phố Hàng Mã cho biết: “Những năm trước, hình nhân nữ mặc váy đơn thuần được nhiều người lựa chọn thì năm nay, một số người yêu cầu cầu kỳ hơn như “chân dài, mặc sexy, trang điểm đẹp, tóc nhuộm và uốn xoăn thành từng nếp kiểu gợn sóng…”.
Một vị khách đang mua hàng ở phố Hàng Mã cũng chia sẻ: “Có lần tôi nằm mơ thấy người nhà trách rằng, ở trên đó sống đầy đủ mà không “quan tâm” gì đến người đã khuất. Năm nay, ngoài lễ mặn, hoa quả, tiền vàng, quần áo, tôi còn mua thêm nhà lầu, các thiết bị thiết yếu trong nhà và có cả một “cô gái”. Tôi mong người đã khuất nhận được tất cả các món đồ gia đình “gửi” xuống, để cuộc sống dưới đó thật sung túc và ấm cúng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá những bộ quần áo phu thê khá cao, giao động từ 500.000 đến 1,2 triệu đồng/bộ. Với loại quần áo này, thường chủ cửa hàng chỉ nhập về khi có khách đặt mua. Theo quan sát của chúng tôi, quần áo đồ mã cũng theo mốt thời thượng, rồi giày dép, gương lược, mĩ phẩm đều theo model mới nhất.
Cưới vợ cho người chết
Anh Hùng (36 tuổi, ở Quế Võ, Bắc Ninh) lái xe, chuyên lấy hàng từ một số ngôi làng chuyên làm hàng mã gần trung tâm Hà Nội cho biết: “Tôi chở hàng từ Bắc Ninh “đổ” mối cho một số cửa hàng bán đồ mã ở Hà Nội từ cách đây 3 năm. Nhưng năm nay mới thấy xuất hiện ý tưởng làm lễ cưới cho người chết”. Theo đó, một số gia đình có người chết trẻ, chưa lập gia đình, theo phong tục xưa người ta phải đốt kiệu hoa, võng đào và hình nhân xuống cho người chết tượng trưng cho lễ rước dâu. Những người mua đồ mã này thường mang tâm lý lo người đã khuất của gia đình đến tuổi không được cưới vợ, cưới chồng sẽ cô đơn ở thế giới bên kia nên đốt hình nhân xuống cho họ làm vợ hoặc làm chồng.
“Đó là những câu chuyện đồn thổi trong dân gian, nghe đã thấy không thể tin được rồi. Nhưng không hiểu thế nào mà hiện nhiều gia đình có người chết trẻ cứ mua bằng được hình nhân cho người thân quá cố. Đồ cho người âm cũng phải theo một nguyên tắc rất khắt khe và thời thượng. Thế gian có mặt hàng nào mới thì đồ hàng mã cũng thiết kế y chang. Đã có một số gia đình làm lễ cưới cho người chết giống như đám cưới người trần. Họ sắm đồ mã rất đầy đủ gồm: Tráp trầu cau, lễ vật, quần áo cô dâu, chú rể, nhẫn cưới, xe hoa... và tất nhiên là không thể thiếu hình nhân”, anh Hùng cho hay.
Cũng theo anh Hùng, những hình nhân này không sản xuất đại trà mà chỉ khi nào có mối đặt hàng thì xưởng sản xuất mới làm. "Một người ở phố Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống tận làng Đông Hồ đặt quần áo cưới, xe hoa, cùng với các sính lễ kèm theo đám cưới như trang sức, trầu cau... nói là gửi cho con trai vừa bị tai nạn giao thông mới mất. Trước đám cưới ít ngày, con trai ông ấy mất vì tai nạn giao thông. Ông ấy đặt một hình nhân nữ, yêu cầu xưởng sản xuất phải làm rất tỉ mỉ các chi tiết. Gia chủ đốt hình nhân cho con trai một phần để con trai đỡ cô đơn, lý do nữa là sợ anh chàng “về” làm tội cô gái là vợ sắp cưới ngày trước…”, anh Hùng chia sẻ.
Đốt vàng mã là lãng phí Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá vãng. Trong đạo Phật không có cúng vàng mã. Các sư mất đi không bao giờ đốt tiền, vàng mã. Đốt đồ dùng, tiền vàng mã thành tro, gió thổi bay tung tóe làm sao mà dùng được, tiêu được nên rất lãng phí. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khuyên, tiền đó nên để làm từ thiện là tốt nhất. |