Chiều 25-7, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, đã triệu tập cuộc họp khẩn trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy (Lào).
Thảm họa có thể xảy ra
Theo ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.600 tỉ đồng.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Hoàng Đức Cường cảnh báo từ ngày 25-7, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to. Từ ngày 28 đến 31-7, mưa lớn có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khả năng kéo dài đến đầu tháng 8. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu khắp các tỉnh miền núi.
Theo Tổng cục Thủy lợi, toàn miền Bắc có gần 3.000 hồ chứa; trong đó có gần 2.700 hồ chứa nhỏ. Ðến nay, 7 hồ chứa lớn và trên 740 hồ chứa nhỏ đã đầy nước. Khu vực này cũng có gần 140 hồ xung yếu nằm rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh... có nguy cơ xảy ra sự cố cao khi mưa lớn. Ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, gần 1.030 hồ chứa nhỏ và 46 hồ chứa lớn đã đầy nước; gần 100 hồ xung yếu cần quan tâm đặc biệt.
"Các địa phương cần chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa có cửa van xuống mức chủ động đón mưa lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường" - ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đề nghị.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý hiện nay, rừng và đất rừng đã ngậm nước, bão hòa. Bất cứ nơi nào bị mưa từ 100-200 mm đều sẽ rất nguy hiểm. Qua khảo sát, lớp thực bì ở hầu khắp các tỉnh đã bị tổn thương nặng nề. Nhiều thiết chế hạ tầng quá tải; đặc biệt hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng chưa được tu bổ, nhiều tuyến đê xung yếu bị hư hỏng.
"Nếu không khẩn trương củng cố lại hạ tầng và các giải pháp ứng phó thì không chỉ hậu quả sẽ nặng nề mà thậm chí là thảm họa thiên tai sẽ xảy ra" - ông Cường lo ngại.
"Soi" kỹ các hồ có nguy cơ cao
Trước diễn biến khó lường của mưa lũ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cử ngay các đoàn công tác tiếp tục tổng rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố. Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ thủy điện, trong đó đặc biệt lưu ý các hồ thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương cấp tỉnh.
Nhận định việc vỡ đập thủy điện ở Lào ảnh hưởng ít tới Việt Nam nhưng ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho rằng đó là bài học lớn với Việt Nam. "Ban chỉ đạo sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện, có giải pháp ứng phó kịp thời" - ông Hải nói.
Quảng Nam kiểm tra an toàn thủy điện
Chiều 25-7, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, cho biết ông vừa yêu cầu các ban ngành và địa phương kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện, bắt đầu từ tuần tới.
Đến nay, tỉnh này có 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 450,76 MW, sản lượng điện bình quân năm 1.755,16 triệu KWh/năm được đưa vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, có 11 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 140,46 MW, 6 công trình đang xây dựng. Ngoài ra, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) có 10 dự án thủy điện bậc thang, tổng công suất 1.156 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Đến nay, 7 công trình đã phát điện. 2 công trình đang xây dựng gồm Sông Bung 2 (100 MW), Đăk Mi 2 (98 MW). Tháng 9-2016, thủy điện Sông Bung 2 từng xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng khiến 2 công nhân thiệt mạng, nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị cuốn trôi.
Tr.Thường
Theo Văn Duẩn (Nld.com.vn)