Tết Nguyên đán 2022: Có nên giãn cách, cấm đi lại để chống COVID-19?

29/12/2021 14:04:49

Chỉ còn 3 ngày nữa là Tết Dương lịch 2022 và hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán sẽ tới. Đây là dịp nhà nhà, người người về quê đón Tết. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, người dân sẽ phải làm gì để đón năm mới, đón Tết an toàn?

Không nên cấm đi lại

Trong dịp Tết, theo thường lệ, lưu lượng người di chuyển sẽ tăng mạnh, các hoạt động văn hóa xã hội cũng sẽ diễn ra... Còn nhớ Tết 2021, nhiều tỉnh thành phải giãn cách, một số địa phương còn nằm trong tình trạng phong tỏa để phòng chống dịch. Liệu kịch bản đó có còn lặp lại trong Tết năm nay hay không?

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc người dân đi lại không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu không quá cần thiết thì không nên di chuyển, đi lại khi dịch COVID-19 đang căng thẳng, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập lớn.

Quan trọng là cần tránh tụ tập đông người. Đi về, di chuyển giữa các nơi có nguy hiểm hay không, có làm lây lan dịch bệnh hay không, phụ thuộc vào hành vi của con người.

"Nếu người dân về quê mà giữ gìn, không tiếp xúc với ai thì cũng không có vấn đề gì. Dịp cuối năm cũng có nhiều ngày lễ như Noel, Tết dương lịch, nhiều người sẽ tụ họp vui chơi, đến các điểm này, điểm khác, gặp nhau tiệc tùng, tiếp xúc không đeo khẩu trang thì rất nguy hiểm.

Nhưng nếu chỉ đi trên đường, đeo khẩu trang, không nói chuyện, tiếp xúc với ai thì nguy cơ không cao. Tôi nghĩ rằng phải tăng cường tuyên truyền, truyền thông cảnh báo nguy cơ cho người dân" - ông nói. 

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Huy Nga, việc tuyên truyền này cũng cần phải dựa trên những nghiên cứu cụ thể, chỉ rõ nguy cơ lây nhiễm COVID-19, có bằng chứng để thuyết phục người dân. Ví dụ như tiếp xúc trong thời gian bao lâu thì lây nhiễm, do không đeo khẩu trang, do gặp người từ vùng này, vùng kia về…

Theo PGS Nguyễn Huy Nga, việc cách ly người về từ vùng có dịch như một số địa phương đang cách ly người về từ Hà Nội hiện nay là không có căn cứ. Chúng ta phải thích ứng với dịch bệnh. 

“Phải rút kinh nghiệm từ tháng 5 năm nay, sau kỳ nghỉ lễ về thì TPHCM bùng phát dịch. Dịch COVID-19 đã xuất hiện các biến thể mới, lây lan nhanh. Ý thức, nhận thức của nhân dân tốt thì dịch đỡ lây lan hơn”.

Tết Nguyên đán 2022: Có nên giãn cách, cấm đi lại để chống COVID-19?
Một khu vực cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội trong năm 2021. Ảnh: Minh Ngọc

Sống chung với dịch thì cũng có nghĩa là không thể phong toả, đóng cửa

Theo PGS Nguyễn Huy Nga, khi thích ứng, sống chung với dịch thì ý thức của người dân trở thành yếu tố quan trọng nhất. Mà muốn có ý thức của người dân thì phải có truyền thông, hướng dẫn cụ thể cho người dân. Nhiều địa phương hiện nay đang làm rất tốt.

Sống chung với dịch thì cũng có nghĩa là không thể phong toả, đóng cửa như ngày trước. Hiện nay một số nước đã mở cửa cho người Việt Nam tiêm đủ hai mũi vaccine có thể sang nước họ, thì việc trong nước tỉnh này cấm tỉnh kia là vô lý.

Có phải do hiểu biết kém, do hoảng sợ, không có căn cứ khoa học, hiểu biết chưa đến nơi đến chốn? Nếu cứ thế thì ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Địa phương phải nộp ngân sách lớn, họ rất lo, họ phải “thoáng hơn” thì mới phát triển được, họ mới sống được, mới có nguồn thu…” - PGS Nguyễn Huy Nga phân tích.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay chúng ta không thể truy vết được hết các trường hợp F0 ở cộng đồng, chỉ nên tập trung vào những trường hợp có biểu hiện nặng, vào bệnh viện. Khi tiêm đủ vaccine, nếu nhiễm cũng phần lớn là biểu hiện nhẹ.

“Chúng ta cần tập trung điều trị cho những người bị nặng, phải làm sao giảm số ca mắc nặng, giảm số tử vong. Đây là yếu tố quan trọng nhất, vì số ca mắc mới tăng lên thì tỉ lệ bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Cần tập trung đảm bảo thuốc men, phương tiện cấp cứu, phải sẵn sàng cho phương án bệnh nhân tăng cao” - PGS Nguyễn Huy Nga nói.

Trong khi đó chuyên gia này cho rằng, có thể tính tới việc mạnh dạn thử nghiệm một số loại thuốc thảo mộc, đông y mà Việt Nam sẵn có. Bởi kinh nghiệm phòng chống bệnh của ta và thế giới cho thấy có nhiều chất chiết xuất từ thuốc thảo mộc, đông y có tác dụng chống lại virus.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhấn mạnh việc chúng ta vừa phải tuyên truyền, vừa phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, phải thông tin tới từng gia đình về dịp Tết không được tụ tập đông người bởi đang có dịch.

Theo ông, phải quán triệt tinh thần như vậy. Không cấm nhưng thuyết phục, khuyến cáo và quán triệt. Ai từ đâu về cũng phải thông báo với chính quyền địa phương, hạn chế đi lại chúc tụng nhà này, nhà kia. Chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế tiếp những người về từ vùng có dịch.

"Ngày Tết, có cơ hội gặp được người thân, gia đình là mừng rồi, vì thế chỉ nên bó hẹp trong phạm vi gia đình. Đừng để sau một cái Tết lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh. Đừng để sau vài ngày Tết vui quá, giao lưu nhiều quá lại ảnh hưởng đến cả vài tháng, vài năm sau” - ông nói.

Theo Thùy Linh (Lao Động)