Tăng học phí từ 13 triệu lên 70 triệu/ năm, ĐH Y Dược TP HCM nói gì?

03/06/2020 15:30:45

ĐH Y Dược TP.HCM lý giải với ngành Răng - Hàm - Mặt, chi phí đào tạo là hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm. Do vậy, với mức thu 70 triệu đồng/năm, nhà trường vẫn phải bù lỗ để sinh viên có thể theo học.

Trong đề án tuyển sinh 2020, Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến của các ngành tăng 3-5 lần so với mức thu năm học 2019-2020.

Trong đó, học phí ngành Răng - Hàm - Mặt lên đến 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 68 triệu đồng/năm.

Tăng học phí từ 13 triệu lên 70 triệu/ năm, ĐH Y Dược TP HCM nói gì?
Học phí áp dụng cho sinh viên khóa mới của Trường ĐH Y dược TP.HCM

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi trường công bố mức học phí mới, nhiều phụ huynh, sinh viên cũng thắc mắc.

Ông giải thích mức học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên. Các năm trước, trường thu khoảng 14-15 triệu đồng. Phần còn lại Nhà nước bù lỗ, Bộ Y tế góp vào phần kinh phí này.

Từ ngày 1/1, trường thực hiện tự chủ, Bộ không còn góp kinh phí đào tạo cho trường. Do đó, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.

Ông nói thêm trường chú trọng thực hành, nhiều ngành sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với mức phí thông báo.

Có những ngành đòi hỏi chi phí đào tạo cao như ngành Răng - Hàm - Mặt phải hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm, bởi mỗi sinh viên sẽ trực tiếp thực hành trên một máy riêng cùng với chi phí nguyên vật liệu khác. Dù vậy, nhà trường phải cân nhắc bởi nếu thu đúng như vậy liệu có sinh viên theo học và có làm tròn trách nhiệm của trường không. Do đó, trường quyết định vẫn bù lỗ và đưa ra mức thu 70 triệu đồng/năm” - ông Khôi nói.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định những sinh viên nhập học trước năm 2020 vẫn đóng học phí theo lộ trình đã công bố từ đầu khóa. Mức học phí vừa công bố chỉ áp dụng cho sinh viên được tuyển sinh từ năm 2020.

Tăng học phí từ 13 triệu lên 70 triệu/ năm, ĐH Y Dược TP HCM nói gì? - 1

Trước thực tế với mức học phí này, sinh viên nghèo sẽ không có điều kiện theo học, ông Khôi cho hay nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển mà bị bỏ lại.

Chúng tôi cam kết không để một sinh viên nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại” – ông Khôi nói.

Ông Khôi cho biết, theo quy định, các trường dành 8% nguồn thu làm quỹ học bổng nhưng Trường ĐH Y dược TP.HCM thường trích lại tới 10%. Quỹ học bổng này cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ dùng để hỗ trợ sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.

"Trường đưa mức thu này để một phần tích lũy cho phát triển, giúp sinh viên được thụ hưởng, sử dụng thiết bị hiện đại, những gì tốt nhất trong quá trình học. Chúng tôi công khai học phí từ đầu khóa tuyển sinh để xã hội biết, học sinh và phụ huynh cân nhắc. Nhà trường cam kết đào tạo chất lượng cao với mức thu này, khi sinh viên bước chân vào trường sẽ thấy được sự hỗ trợ” - ông Khôi nhấn mạnh.

HL (Nguoiduatin.vn)