Chị Lý Thị Hảo (Phòng Công tác Xã hội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) trở thành F1 trong đại dịch COVID-19 và sắp hoàn thành đợt cách ly. Dưới đây là chia sẻ của chị qua góc nhìn của người trong cuộc.
Đắn đo mãi rồi tôi cũng quyết chia sẻ một góc về công việc của người làm Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện bởi có nhiều thắc mắc của mọi người.
Khi biết tôi là F1, nhiều người ngạc nhiên, có những người bạn hỏi tôi: "Sao vậy? Công việc của bạn có liên quan gì đến bệnh nhân chứ?"...
Ngạc nhiên cũng phải thôi, vì tôi đâu phải là bác sĩ, tôi đâu phải là điều dưỡng luôn bên cạnh bệnh nhân mỗi ngày. Tôi chỉ là một nhân viên Công tác xã hội làm trong bệnh viện. Vậy sao tôi lại trở thành F1? Và sự thật thì tôi đúng là F1.
Ngày đầu tiên của tháng 4, chị Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc gọi điện cho tôi, nói rằng khoa chị đang có một bệnh nhân người Thụy Điển, cần có bên Công tác xã hội cùng tham gia hỗ trợ người bệnh.
Tôi đón nhận với niềm hân hoan được chia sẻ một công việc không liên quan tới chuyên môn từ các bác sĩ khi có người bệnh cần sự giúp đỡ. Và dù sao thì đó cũng vẫn là công việc thường ngày của chúng tôi.
Chúng tôi có mặt bên những người bệnh, chúng tôi đến với họ trong tâm thế của người làm Công tác xã hội, sẵn sàng lắng nghe, động viên, trấn an những lo lắng, hoang mang mà họ chia sẻ khi nhận tin bệnh tật, khi lần đầu tiên "chân ướt chân ráo" đặt chân đến Viện.
Sau những giờ tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ, thu thập thông tin, xác minh thông tin, chúng tôi sẽ lên kế hoạch trợ giúp người bệnh.
Có khi đó chỉ là sự chia sẻ về tinh thần, là những lời động viên mong người bệnh an lòng điều trị; Có khi là sự kết nối với cộng đồng để hỗ trợ người bệnh bớt đi những lo lắng về chi phí điều trị, chi phí sinh hoạt. Và chúng tôi quan tâm tới các vấn đề thuộc về tâm lý, tinh thần và xã hội của người bệnh.
Chúng tôi sẵn sàng cùng các y, bác sĩ giúp đỡ người bệnh trong khả năng tốt nhất có thể. Chúng tôi mong những người bệnh bớt đi gánh nặng tinh thần để yên tâm phối hợp điều trị. Chúng tôi mong vấn đề tài chính không hoàn toàn là áp lực lớn nhất của người bệnh. Và chúng tôi mong người bệnh không may mắc bệnh máu đến được với Viện tôi luôn có cơ hội tốt để điều trị...
Tôi đã đến với bệnh nhân người Thụy Điển với tinh thần như thế. Chúng tôi hiểu phần nào ông hoàn toàn là người "yếu thế" khi một thân một mình ở một đất nước xa lạ, không người thân thích, không có bất cứ gì ngoài tấm thân bệnh tật và đang rất cần phải chữa trị.
Trong khi các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang làm mọi cách tốt nhất để điều trị cho ông, thì bệnh nhân vẫn trong tâm lý bất an, không muốn điều trị, không phối hợp, ông sẵn sàng bỏ điều trị - việc này sẽ thật nguy hiểm nếu ông tự ý bỏ điều trị.
Các bác sĩ và điều dưỡng của Viện đã làm những điều cần thiết, những thứ tốt nhất cho người bệnh. Cùng đó có biết bao nhiêu người đã luôn bên cạnh bệnh nhân, từ những người bảo vệ, những nhân viên vệ sinh, những nhân viên ở các khoa phòng khác… đã tiếp cận, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người bệnh.
Bởi vậy, khi là F1 tôi có hẳn "đồng đội" hùng mạnh bên cạnh.
Tôi đón nhận tin mình là F1 thật bình thản và chắc chắn là không thể tránh khỏi khi chúng tôi vẫn từng ngày làm công việc trong bệnh viện. Một góc nhỏ trong công việc của chúng tôi".
Phòng chống dịch bệnh, lấy cán bộ y tế làm đầu. Muốn hết dịch bệnh, ý thức tự giác của người dân là gốc. Các cụ xưa dạy rằng "lửa thử vàng gian nan thử sức". Tạo hóa dùng dịch bệnh để thử thách con người - đây là phép thử tự nhiên, trong hoàn cảnh điển hình thì tính cách điển hình của con người sẽ lộ diện. Người có bản lĩnh sẽ không hoảng loạn. Người tự giác sẽ không đi lại lung tung. Những người nhân ái cao thượng sẽ đi giúp người.
Theo Lý Thị Hảo (Giadinh.net.vn)