Chiều 10/4, 9 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh được tuyên bố khỏi bệnh. Trong đó có công dân Thụy Điển ung thư máu, 3 nhân viên Trường Sinh, điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân 237 là người nước ngoài có lối sống và văn hoá khác với người Việt Nam, nên trong quá trình chữa trị gặp phải những khó khăn nhất định.
Bệnh nhân 237, 64 tuổi, là công dân quốc tịch Thụy Điển, nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 12/2019. Ông có tiền sử bệnh Leukemia kinh dòng hạt (bệnh ung thư máu dạng tủy mạn tính - Chronic Myeloid Leukemia), đã điều trị 3 - 4 năm bằng thuốc Nilotinib. Khoảng 4 tháng nay, bệnh nhân không uống thuốc do đi du lịch nước ngoài.
Tối 26/3, ông bị ngã trên đường, được 115 đưa đến khám tại BV Việt Pháp Hà Nội. Sáng 1/4, bệnh nhân vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), sau đó được chuyển viện đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Ngày 3/4, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 cho bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị bệnh ung thư máu.
Do bệnh nhân có nhu cầu về dinh dưỡng khác biệt nên để chuẩn bị một bữa ăn đúng khẩu vị cũng không phải dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh cả nước đang thực hiện việc cách ly toàn xã hội.
Tại Bệnh viện, bệnh nhân 237 được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Bác sỹ Cấp cho biết bệnh viện cố gắng trong khả năng, để lựa chọn liệu trình phù hợp với cơ địa của người bệnh. Chỉ sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, tiếp tục được theo dõi, giám sát trong 14 ngày.
Lý giải về việc có những bệnh nhân vừa nhập viện đã được điều trị thành công, cũng có những bệnh nhân nằm viện lâu hơn, bác sỹ Cấp nói rằng điều này phụ thuộc vào khả năng đáp ứng bệnh tật của từng người.
"Những người có sức đề kháng mạnh sẽ diệt virus rất nhanh, cũng có những người rất lâu mới sạch virus. Bệnh nhân được phát hiện sớm ngay từ đầu, thì sau khoảng thời gian đủ lâu mới hết virus. Hoặc có trường hợp mang virus trong cơ thể khá lâu mới được phát hiện, thì thời gian điều trị sẽ ngắn hơn".
So sánh 2 nhóm bệnh nhân trong 2 giai đoạn, bác sỹ Cấp cho hay, nhóm thứ nhất trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc), bệnh viện điều trị 5 bệnh nhân. Hầu hết họ vẫn còn trẻ, sức khoẻ tốt, nên diễn biến bệnh có nhiều tích cực.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2, số lượng bệnh nhân đông hơn. Do đó, xuất hiện tỷ lệ bệnh nhân nặng. Trong nhóm này, có nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, thậm chí như bệnh nhân 161 đã 88 tuổi, bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, cho nên độ nặng của những bệnh nhân nhiều hơn rất nhiều so với đợt 1.
Theo bác sỹ Cấp, Khoa cấp cứu đang điều trị cho 7 bệnh nhân nặng. Khoa Hồi sức tích cực có 5 bệnh nhân nguy kịch, đã từng phải thở máy. Một số bệnh nhân diễn biến tốt rất nhiều, dần cai máy thở. Tuy nhiên, có những bệnh nhân diễn biến nặng.
"Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đã xây dựng phác đồ đầu tiên. Sau đó dựa theo kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới chúng ta đã sửa đổi lần 1 (phiên bản 2) và sửa đổi lần 2 (phiên bản 3). Thời gian tới, khi có nhiều kết quả nghiên từ nhiều nước và nhiều bệnh nhân thì phác đồ điều trị sẽ tiếp tục có sự thay đổi để điều trị một cách tốt nhất", bác sỹ Cấp thông tin.
Hiện nay, sau một tuần cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội, người dân bắt đầu chủ quan, có xu hướng đổ ra đường nhiều hơn, bác sỹ Cấp khuyến cáo đây là thời gian vàng, nếu thực hiện tốt, chúng ta có thể đẩy lùi dịch bệnh. Nếu không, thì sẽ sa vào tình trạng vô cùng nguy hiểm. Chiến thuật của đất nước ta phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của người dân, anh mong người dân chấp hành theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng, trong 4-5 ngày quyết định tới.
18h tối 10/4, Bộ Y tế ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 257. Số người khỏi bệnh là 144.
Theo Minh Nhân - Ảnh Phương Thảo (Trí Thức Trẻ)