Hiện nay, mức xử phạt về hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển xe máy, ô tô ở mức rất cao. Cụ thể, tại Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, đường bộ, hành vi điều khiển xe máy, ô tô mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2- 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 – 24 tháng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), cần chấm dứt ngay việc đã sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn người vi phạm nồng độ cồn điều khiển xe là tạm giữ phương tiện. Ý nghĩa của việc xử lý hành vi này là để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông”, Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết.
Nhiều người cho rằng, có thể nhờ người thân hay bạn bè tới để điều khiển phương tiện về. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Chinh, lực lượng thực thi pháp luật không thể chờ đợi người thân, bạn bè của người vi phạm đến.
“Lấy một ví dụ, trong ca công tác kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng xử lý trung bình 4 - 8 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng chức năng không thể chờ đợi được tất cả người thân tới đưa xe về”, Thiếu tá Chinh nói.
Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho hay, việc tạm giữ phương tiện cũng là hình thức răn đe đối với người vi phạm.
Thiếu tá Trần Quang cho biết, ô tô hay xe máy của người vi phạm nồng độ cồn là phương tiện vi phạm hành chính. CSGT lập biên bản tạm giữ phải có nhiệm vụ bảo vệ phương tiện của người vi phạm không bị hư hỏng, thất lạc.
"Người thân, bạn bè của người vi phạm điều khiển xe về nơi tạm giữ có thể xảy ra những tình huống như: Không đưa xe về bãi tạm giữ, trên đường gặp những sự cố ảnh hưởng đến phương tiện... Vì vậy, lực lượng CSGT phải tiến hành cẩu kéo đúng quy định để bảo đảm an toàn cho phương tiện của người vi phạm", Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết thêm.
Đối với trường hợp người vi phạm điều khiển xe do đi thuê, mượn (không chính chủ) thì quá trình làm thủ tục xử lý vi phạm buộc người chủ phải lên cơ quan công an cùng người vi phạm hoặc làm giấy ủy quyền theo quy định.
“Người vi phạm chứng minh được phương tiện là của mình nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt thêm lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe”, Thiếu tá Trần Quang Chinh nói.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)