Khoản 4, Điều 6, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.
Điều này cũng được đưa ra tại Luật Đường bộ 2024: Người lái ô tô phải chi trả các loại phí, giá và các khoản dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ, thực hiện thông qua tài khoản giao thông.
Trong đó, tài khoản giao thông là công cụ giúp người dùng thanh toán các khoản phí liên quan đến giao thông một cách nhanh chóng và thuận tiện. Các khoản phí liên quan đến giao thông gồm phí đường bộ, phí cầu đường, bãi đỗ xe và các dịch vụ giao thông khác.
Hiện nay, tình trạng người dân không còn tiền trong tài khoản giao thông khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Anh Nguyễn Trần Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bản thân thường chỉ đi loanh quanh trong thành phố nên có lần phải đi Hải Phòng mà không mảy may nghĩ ra phải kiểm tra tài khoản giao thông trước.
“May quá, khi đến gần trạm thu phí thì bên đường có điểm nạp tiền làm tôi kịp tấp vào. Hành trình vì thế cũng không bị gián đoạn và không dính phạt nếu áp theo Nghị định 168”, anh Mạnh cho biết.
Trước đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phát đi cảnh báo trong năm 2024 trên 4 tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã có hơn 590.000 ô tô hết tiền trong tài khoản ETC. Điều này dẫn đến việc ùn ứ tại các trạm thu phí, thậm chí có nguy cơ gây tai nạn ''dồn toa''.
Để tránh ùn tắc giao thông, đại diện VEC khuyến cáo các chủ phương tiện duy trì số dư trong tài khoản thu phí khi tham gia giao thông vào cao tốc nhằm đảm bảo tối ưu thời gian xử lý sự cố, hạn chế ùn tắc.
Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, anh Nguyễn Viết Trung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ở các nước họ xử lý theo cách khi tiền sắp hết (ví dụ còn dưới 100.000 đồng) thì sẽ có tin nhắn tự động báo đến số thuê bao của chủ xe. Chủ xe vẫn có thể đi tiếp và sẽ bị trừ phí như bình thường.
“Tuy nhiên, các khoản phí âm tiền nếu không thanh toán trong vòng 3 ngày thì sẽ bị tính phí phát sinh giống như trả phí số dư nợ thẻ tín dụng trễ hạn. Cứ theo thời gian định kỳ (1 tháng) thì số phí sẽ lại tăng cao hơn.
Mỗi tháng chủ xe đều sẽ nhận được tin nhắn báo số phí cần phải thanh toán thời điểm đó. Đến khi cán mốc số tiền nào đó (ví dụ 500.000 đồng) thì phía công ty thu phí sẽ báo cho cảnh sát giao thông và xe đó sẽ không thể tái đăng kiểm lại khi đến hạn nếu không trả phí vào thời điểm làm thủ tục.
Phía cơ quan đăng kiểm sẽ yêu cầu chủ xe phải có giấy xác nhận của công ty quản lý các trạm thu phí khẳng định rằng chủ xe đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì mới cấp/gia hạn đăng kiểm cho xe”, anh Trung chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, trao đổi với VietNamNet, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tình trạng hết tiền trong tài khoản giao thông sẽ làm giảm hiệu quả của thu phí không dừng và cần một quy định điều chỉnh.
Ông Minh đề xuất, nếu chủ phương tiện để hết tiền trong tài khoản thì lần sau đi, ngoài phí đường bộ sẽ bị trừ thêm 100.000 đồng.
Nếu trong vòng 1 năm mà hết 2 lần thì lần thứ 2 sẽ bị tự động trừ thêm 300.000 đồng. Nếu trong vòng 1 năm mà để hết 3 lần thì ngoài phí đường bộ sẽ bị tự động trừ thêm 1 triệu đồng. Quá 3 lần/năm thì đóng thêm 2 triệu, trừ 3-6-12 điểm giấy phép lái xe tùy số lần.
Các con số trên có giá trị minh họa nguyên tắc, còn cụ thể thì do cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất áp dụng cho phù hợp.
Ngoài ra, ông Minh kiến nghị cơ quan chức năng nên nghiên cứu ban hành các nội dung trên trong một văn bản pháp lý có tính chất bắt buộc thực hiện (lồng ghép vào một thông tư hiện hành) sẽ giúp người dân nâng cao việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Theo N.Huyền (VietNamNet)