Sẽ phối hợp với chính quyền phân định rõ tài sản của chùa và sư Toàn
Chiều 7/10, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định chính thức bãi nhiệm chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng và cho xả giới hoàn tục đối với Đại đức Thích Thanh Toàn (người bị tố gạ tình một nữ phóng viên).
Trước đó, một video xuất hiện trên mạng xã hội có những phát ngôn của sư Toàn khiến nhiều người bất ngờ.
Trong video được cho tại cuộc họp của Ban Trị sự PGVN tỉnh Vĩnh Phúc hôm 5/10, sư Toàn nhận lỗi với Giáo hội tỉnh vì đã gây ảnh hưởng "làm mất uy tín của Giáo hội", đồng thời xin giữ lại một số tài sản ruộng đất ở chùa Nga Hoàng và nói rằng tài sản của mình trị giá 200-300 tỷ đồng, nếu muốn có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi xả giới hoàn tục...
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ông có theo dõi thông tin về việc sư Toàn nói tài sản có 200 - 300 tỷ và xin giữ lại số tài sản này sau khi hoàn tục, tuy nhiên, hiện tại chưa thể bình luận gì vì "nhà sư này đã xin hoàn tục".
Ông nói, các phát ngôn của sư Toàn trong clip này rõ ràng đã gây những ảnh hưởng không tốt cho Giáo hội và sẽ xem xét, có ý kiến sau.
Lãnh đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, có nắm được thông tin về phát ngôn về tài sản có 200 - 300 tỷ, việc có thể lấy vợ thoải mái sau khi hoàn tục của sư Toàn trong đoạn clip báo chí phản ánh. Theo vị này, "với nhà tu hành nói như thế là không đúng".
Vị này cho rằng, khó có thể kiểm chứng phát ngôn của sư Toàn về số tài sản ở chùa Nga Hoàng trị giá tới 200 - 300 tỷ, bởi đất nông nghiệp mà nhà sư này chuyển nhượng của người dân tại đây chưa được phép theo Luật Đất đai.
Lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh trong ngày 8/10 cũng đã liên hệ với Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh đề nghị làm rõ đoạn clip này.
Sư Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản 200-300 tỷ: Luật sư nói "sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra?"
Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, ông đã nghe đoạn clip sư Thích Thanh Toàn nói về tài sản nhưng cách nói của nhà sư này không rõ ràng và "khó ai có thể kiểm chứng được cụ thể vấn đề tài sản bởi không phải là người trong cuộc".
Đại đức Thích Tâm Vượng nêu rõ, về vấn đề tài sản mang tên sở hữu thế danh của sư Toàn sẽ cần các cơ quan chính quyền xác minh, làm rõ. Ban Trị sự Tỉnh cũng sẽ phối hợp cùng chính quyền để phân định, làm rõ, đâu là tài sản của chùa, đâu là tài sản của cá nhân sư Toàn.
Ông cũng giải thích thêm, dù dư luận có ý kiến khác nhau, tuy nhiên, Ban Trị sự vẫn đồng tình với thỉnh nguyện của ông Lê Hữu Long (tên thật của sư Toàn) xin được giữ lại tài sản mà ông Long đứng tên thế danh chủ sở hữu vì quyền sở hữu này đang được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Phó Ban Trị sự PGVN tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, hiện nay vấn đề xử lý đối với sư Toàn đã được thực hiện nghiêm minh, công khai rõ ràng và Ban trị sự sẽ khép lại vụ việc tại đây.
Ban Trị sự cũng đã giao cho Ban Tăng sự tiến hành các thủ tục tiếp theo để xả giới hoàn tục đối với sư Toàn.
Đại đức Thích Tâm Vượng cũng nhắc lại, trong cuộc họp ngày 5/10, Đại đức Thích Thanh Toàn trước khi xin hoàn tục, sám hối đã xin giữ lại các đất đai, trang trại, tài sản thuộc sở hữu cá nhân, với lý do trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa và nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải nợ.
Về vấn đề tài sản của sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại sau khi hoàn tục, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu Đào Xuân Định cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa nhận được văn bản chính thức của Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp xử lý.
Theo đại diện UBND xã, sau khi nhận được đề nghị của Ban Trị sự, xã sẽ xin ý kiến của huyện và tổ chức họp cụ thể để giải quyết.
Ông Định nói, việc giải quyết vấn đề này sẽ căn cứ theo đúng các quy định của pháp luật và những đề nghị nào chính đáng, đúng pháp luật sẽ được giải quyết còn đề nghị nào không đúng, không hợp lý sẽ bị bác bỏ.
Còn theo ghi nhận của PV, các diện tích đất được sư Toàn mua của người dân địa phương để làm trang trại tại khu vực chùa Nga Hoàng, hiện đang được sử dụng để dựng các nhà bóng kính trồng rau, cấy lúa, trồng thảo dược, nuôi cá...
Theo một Phật tử làm việc tại chùa thì các sản phẩm thu được sẽ được dùng tại chùa và đưa đi làm từ thiện.
Một vị sư hoàn tục có được mang theo tài sản sở hữu cá nhân không?
Trao đổi với PV, một nhà sư hiện đang ở TPHCM cho biết, vấn đề tài sản của nhà chùa hay của cá nhân sư trụ trì rất rõ ràng.
Vị này lấy ví dụ, số tiền cúng dường để xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, hay tiền khách thập phương cúng vào thùng công đức của chùa, hoàn toàn không thuộc sở hữu riêng của sư trụ trì.
"Bởi sư trụ trì đứng tư cách pháp nhân quản trị ngôi chùa thì không được xâm phạm vào tài sản ấy và thường chùa có ban hộ tự, có thư ký, thủ quỹ ghi chép chi thu nên rất rõ ràng", vị này nói.
Ông cũng dẫn giải thích của Ban Pháp chế Giáo hội PGVN nêu rất rõ: "Tài chính của tự viện là do tín đồ trong và ngoài nước hỷ cúng, do đó nó thuộc sở hữu của tự viện, không thuộc sở hữu của vị trụ trì quản lý tự viện, ngoại trừ phần tài chính do vị trụ trì có được một cách hợp pháp bằng lao động, tạo mãi".
Lý giải thêm về khái niệm lao động, tạo mãi, vị này dẫn ví dụ trong thời gian tu hành, trụ trì đi ứng phó đàn tràng, cúng lễ cho Phật tử bằng uy tín và quan hệ cá nhân của mình (ngoài các lễ nghi được thực hiện trong chùa) và Phật tử tuỳ tâm cúng dường riêng cho vị này thì tài sản đó được xem là tài sản cá nhân.
"Nhà sư ấy có thể dùng tài sản cá nhân để phát triển chùa, nhưng không được dùng tiền công đức chùa để tiêu xài cá nhân.
Nếu một vị thầy hoàn tục hay viên tịch, chư tăng sẽ nhóm họp, tác pháp yết mà quyết định đối với tài sản chùa và tài sản cá nhân của đương sự.
Với người hoàn tục, toàn bộ số tài sản mang danh nghĩa cá nhân (thế danh), chư tăng họp bàn trên tinh thần y cứ vào hiến chương Giáo hội và luật pháp để xử lý, miễn sao không xâm phạm vào giáo sản gồm động sản, bất động sản của tự viện", vị này nêu rõ.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)