Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết chiều 7-10, hòa thượng Thích Thanh Duệ - Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc - đã ký quyết định bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với đại đức Thích Thanh Toàn (sư Toàn; thế danh Lê Hữu Long; SN 1976, quê Quảng Trị).
Thu hồi giấy tờ đã cấp
Quyết định nói trên cũng cho sư Toàn xả giới hoàn tục và giao Ban Tăng sự thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục và thu hồi các giấy tờ do giáo hội cấp.
Theo đó, sư Toàn có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng (tại xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc và ban chỉ tiếp nhận, quản lý các tài sản hợp pháp tại chùa Nga Hoàng khi việc bàn giao có sự chứng kiến, tham dự của chính quyền.
"Chúng tôi sẽ cùng làm việc với chính quyền để phân định rõ tài sản nào của tôn giáo, tài sản nào của cá nhân thầy Toàn" - đại đức Thích Tâm Vượng nói.
Đối với đề nghị cho giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân (theo lời sư Toàn là trị giá 200-300 tỉ đồng) mà trước đó sư Toàn đề nghị, đại đức Thích Tâm Vượng cho rằng cần thực hiện theo đúng pháp luật. Theo đó, đất tôn giáo được nhà nước cấp và toàn bộ công trình, hiện vật trên đất như nhà cửa, đồ thờ thuộc tài sản của cơ sở tôn giáo và sẽ được giáo hội thu hồi. Các tài sản khác như đất (ngoài sổ đỏ) hay xe máy, vật phẩm được phật tử, đệ tử cúng dường mà mang tên sở hữu thế danh của sư Toàn, đúng quy định của pháp luật thì sư này được sở hữu sau khi hoàn tục.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Xuân Định, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu, cho biết xã chưa nhận được đề nghị chính thức của GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc về nội dung trên. Chính vì vậy, để giải quyết, phía chính quyền và giáo hội sẽ có buổi làm việc cụ thể.
"Ông Toàn mới có đơn lên giáo hội nhưng chính quyền cũng sẽ có phương án xử lý theo pháp luật và giáo hội không thể can thiệp được. Chúng tôi đang đợi các kết luận để xử lý. Hiện mới chỉ là phát ngôn, đề xuất, mong muốn của cá nhân thầy Toàn về khối tài sản gồm trang trại, đất đai nhưng mọi việc phải giải quyết theo đúng pháp luật. Đề nghị nào chính đáng sẽ được chấp nhận, không chính đáng thì bác bỏ, không có chuyện ông Toàn thích thế nào thì được thế ấy" - ông Định nói.
Tài sản cá nhân phải có giấy tờ chứng minh
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Sư Toàn vào chùa với 2 bàn tay trắng mà hoàn tục lại có lắm tiền. Thế thì phải chăng ở giáo hội là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có thể là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua thầy. Không phải đóng góp cho thầy thì cái này là của giáo hội, giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân".
Cũng theo luật sư Tú, nếu nói là tài sản cá nhân thì sư Toàn phải có giấy tờ chứng minh, ví dụ thừa kế hay hồi môn chẳng hạn. Nếu khối tài sản 200-300 tỉ đồng có được từ việc phật tử tiến cúng cho chùa thì sư Toàn không thể giữ lại sau khi hoàn tục".
Luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hiện còn khoảng trống pháp luật về quản lý tiền công đức, cụ thể là chưa có văn bản nào quy định việc quản lý, chi và sử dụng tiền công đức như thế nào. Hiện chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo. Trong đó đề cập khá chung chung rằng "việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch…" và "Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo...". Tuy nhiên, thực tế việc quản lý, sử dụng tiền công đức vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm công khai minh bạch do thiếu cơ sở pháp lý.
Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ở kỳ họp hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định sẽ quản lý và sử dụng như thế nào.
Liên quan việc này, Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội (hiệu lực từ ngày 15-10-2018) có giao Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng văn bản này.
Đề nghị thu hồi gần 6.000 m2 đất
Theo báo cáo của huyện Tam Đảo, tổng diện tích đất khu vực chùa Nga Hoàng là 20.906,4 m2. Từ khi về trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, sư Thích Thanh Toàn đã mua bán, chuyển nhượng đất với dân địa phương không thông qua chính quyền tổng diện tích 5.790,9 m2 (nguồn gốc đất là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân xã Hợp Châu, nhà chùa chưa xây dựng, hiện các hộ dân đang trồng lúa, tổng diện tích 3.937,2 m2 và 1.853,7 m2 đất thủy lợi).
"Gần 6.000 m2 đất nói trên sư Toàn bố trí làm đường, đào ao, một số để không. Toàn bộ diện tích đất này là do sư Toàn bỏ tiền mua, chuyển nhượng nhưng không thông qua chính quyền nên chưa thể sang tên được" - một lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo nói và cho biết đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến (Nld.com.vn)