Video: Người dân nói về công nghệ làm sạch sông Tô Lịch sau 3 ngày thử nghiệm
Ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.
Bốn chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống đầu nguồn sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Theo các chuyên gia Nhật Bản, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và vài tháng sau, dòng sông này sẽ hồi sinh.
Chiều 21/5 (tức sau khoảng 6 ngày), PV đã có mặt tại khu vực đặt các máy sục khí trên sông Tô Lịch. Ghi nhận tại hiện trường, các máy sục khí vẫn hoạt động và sục lên bọt nước màu trắng. Cảm quan bằng mắt thường, nước tầng mặt có vẻ trong hơn, không còn nổi váng, tuy nhiên, về tổng thể thì dòng nước dưới sông vẫn có màu đen kịt, mùi hôi thối khá nồng.
Những người sống cạnh bờ sông Tô Lịch nơi đặt máy sục khí cho hay, hiệu quả nhìn thấy bằng mắt trước tiên đó là, nước đã hết váng. Họ cho biết, những ngày nắng như đợt nắng gay gắt hôm 18-19/5 ở Hà Nội, nước sông nổi váng đen sì như gạch cua nhưng từ hôm đặt máy, váng đã không còn. Màu nước và mùi hôi thối đã đỡ nhưng chỉ một chút.
Khi PV có mặt, một người dân đã đích thân xuống sông Tô Lịch để lấy nước vào chai quan sát. Sau khi quan sát, người này đánh giá, nước sông có đổi màu trong hơn nhưng vẫn còn mùi hôi thối, để một lúc có cặn bẩn lắng xuống dưới.
“Theo tôi, công nghệ này áp dụng ở trong 1 hồ hoặc ao tĩnh thì khả thi hơn, đây là 1 dòng sông chuyển động nước vào ra liên tục thì giải pháp này không phải căn cơ. Về lâu dài, dọc sông Tô Lịch chúng ta phải có trạm xử lý nước thải xử lý xong mới đổ xuống sông.
Việc làm này của Nhật Bản là rất tốt nhưng chúng ta cần nghiên cứu thêm và tính toán kỹ về kinh tế. Xử lý ở đầu nguồn của sông Tô Lịch, nhưng nếu càng giữa nguồn và cuối nguồn tải trọng nước thải lớn thì sự chuyển biến càng khó khăn hơn”, một người dân chia sẻ.
Sống ngay cạnh bờ sông Tô Lịch, ông Lê Quốc Tuấn (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, theo cảm nhận của ông, sông Tô Lịch đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt là đầu nguồn nên mùi hôi thối đỡ, những đoạn ở phía sau mùi nặng hơn.
Đánh giá về công nghệ Nhật Bản, ông Tuấn nói: “Từ khi đặt máy xuống, mùi hôi thối đỡ khoảng 30-40%. Đêm mà mưa to thì nước vẫn bốc mùi lên. Nước thì vẫn đen như thế, bùn có đỡ đi tí nào đâu. Tuy nhiên, họ đang thí điểm và tài trợ miễn phí thì mình cũng cần thêm thời gian để theo dõi”.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano Bioreactor gồm hai thiết bị là máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor làm từ đá núi lửa Nhật Bản.
Công nghệ này có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp khoảng 9 lần lượng nước chảy vào sông Tô Lịch hiện nay. Sau khi được đặt máy dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Các máy sục khí công nghệ nano cũng sẽ làm giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 0,05µm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.
Theo Triệu Quang - Hoàn Như (Dân Việt)