Video: Người dân nói gì về đề xuất tài xế say xỉn phải nạo vét sông Tô Lịch
Sáng 16/5, thành phố Hà Nội khởi động "dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor".
TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano - Bioreactor đã từng áp dụng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới.
Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn, nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối nên "bài toán" này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor.
Cụ thể, công nghệ Nano - Bioreactor có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đáy.
Với công suất xử lý tới hơn 1,3 triệu m³ nước thải/ngày, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý ngay trong ngày.
"Theo số liệu chúng tôi có được, dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt qua các cống này đổ trực tiếp xuống dòng sông. Nhưng với công nghệ này chúng tôi đặt dưới lòng sông Tô Lịch thì vẫn làm sạch được.
Công nghệ này có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 9 lần lượng nước chảy vào, tốc độ xử lý là nhanh bằng 6 lần tốc độ âm thanh, nên lượng nước chảy vào sẽ được xử lý ngay trong ngày và sẽ không còn ô nhiễm.
Công nghệ này được ví như "nhà máy xử nước thải" ngay dưới lòng sông...", Tiến sĩ Tadashi Yamamura thông tin.
Trao đổi với PV, GS-TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường (VUSTA) cho biết, sáng 17/5, ông đã trực tiếp theo dõi các thiết bị công nghệ Nano-Bioreactor được đặt dưới lòng sông Tô Lịch hoạt động ra sao.
Theo quan sát của ông, hiện các thiết bị sục lên khá mạnh.
"Chắc chắn công nghệ này phải tốt nên họ mới mang sang đây tiến hành thử nghiệm cho chúng ta. Tuy nhiên, kết quả cụ thể như thế nào sẽ phải chờ chứ chưa thể đánh giá khi nó mới được lắp đặt 1 ngày", GS Nhuệ nói.
Vị GS này cũng nhận định, công nghệ mà phía Nhật đem đến có thể thành công trong xử lý được mùi hôi của sông Tô Lịch, nhưng nó "chỉ có thể tạm thời xử lý tình huống" khi thành phố chưa thu gom được nước thải dọc sông Tô Lịch.
"Cái quan trọng vẫn cần một giải pháp đồng bộ và chờ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chúng ta cũng hy vọng, công nghệ này sẽ giảm bớt mùi hôi cho sông Tô Lịch, nhất là trong những ngày nắng nóng", GS Nhuệ nêu.
PGS. TS Nguyễn Đình Hoè, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho rằng, công nghệ Nano có thể làm sạch được nguồn nước, nhưng với điều kiện nguồn nước thải đầu vào phải được kiểm soát.
"Đối với sông Tô Lịch từ lâu nay vẫn có chức năng cống thải của thành phố, bởi hai bên bờ sông vẫn xả thải trực tiếp xuống đó.
Do vậy, nếu hệ thống quản lý nước thải của Hà Nội xuống sông Tô Lịch vẫn thế thì dù có công nghệ làm sạch đến đâu rồi lại bẩn ngay", PGS. TS Hòe nói.
Ông nhấn mạnh, việc quan trọng nhất đối với sông Tô Lịch hiện nay là cần kiểm soát, đưa toàn bộ nguồn nước thải đi theo nhánh khác, không đổ trực tiếp xuống sông.
"Ở đây, chúng ta mới có công nghệ chứ chưa có hệ thống kiểm soát xả thải nên rất khó để xử lý triệt để.
Khi nguồn nước thải đầu vào được kiểm soát thì không cần bất cứ công nghệ Nano nào mà chỉ cần một trận mưa to là nước sông Tô Lịch có thể trong veo trở lại", PGS Hòe bày tỏ.
Ông nói thêm, việc đưa công nghệ Nano ra xử lý nước Hồ Tây cũng cần sự đánh giá, khảo sát thật kỹ xem có ảnh hưởng đến cấu trúc hệ sinh thái, các loại sinh vật ở đây không.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)