Lời tòa soạn:
Quận 1 được xem là quận trung tâm sầm uất và giàu có bậc nhất TPHCM. Thế nhưng, ít ai biết nơi đây vẫn còn những người dân sống trong các căn nhà vài mét vuông, phải chia ca để ngủ, giặt giũ nhờ, đi ké vệ sinh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng tình trạng này dài hơn nữa.
VietNamNet ghi nhận cảnh sống chật chội, bức bí của người dân cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ khi thành phố có quyết tâm chỉnh trang đô thị.
An toàn trong sự lo lắng
Biết tin TPHCM đang tìm cách chỉnh trang đô thị, giải quyết việc người dân sinh sống trong những ngôi nhà "hộp diêm" 2-4m2 tại quận 1, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (60 tuổi, khu dân cư Cầu Ông Lãnh, phường Cầu Ông Lãnh) nở nụ cười hạnh phúc.
Bà và chị gái mua căn nhà rộng khoảng 5m2 bên trong khu dân cư Cầu Ông Lãnh cách đây gần 20 năm với giá hơn 20 lượng vàng. Căn nhà chật chội đến nỗi bà không thể làm phòng vệ sinh ở tầng dưới.
Để có không gian sinh hoạt chung, bà ngăn đôi căn gác làm hai. Một bên bà làm chỗ ngủ, phần còn lại bố trí nơi giặt giũ, vệ sinh. Căn gác trên cùng chỉ đủ để ít đồ đạc linh tinh và là chỗ ngủ của 2 vợ chồng đứa cháu.
Sau khi chị gái qua đời, vợ chồng đứa cháu rời đi, bà sống cùng 3 bé gái gọi mình bằng bà cô. Tuổi cao, không còn đủ sức làm việc nặng, bà chọn cách đổi bình gas mini kiếm sống.
Nhà nhỏ, chật hẹp lại chất đầy những bình gas nhỏ, hỏa hoạn là điều khiến bà lo lắng nhất.
“Sợ cháy nổ, tôi luôn tự nhắc mình cẩn thận hết sức có thể. Rất may, chính quyền phường Cầu Ông Lãnh đã trang bị cho nhà tôi bình cứu hỏa và lắp hệ thống chuông báo động, nên cũng yên tâm phần nào” - bà Thu chia sẻ.
Bà Trần Thị Lệ (63 tuổi) cũng tỏ ra tự tin dẫu phải nấu nướng bằng bếp gas mini để bán cơm trưa ngay trong căn nhà chỉ có diện tích 2,5m x 3m của mình. Không chỉ được chính quyền địa phương trang bị bình chữa cháy, bà còn được hướng dẫn sử dụng, kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Để đảm bảo an toàn, bà cố gắng thu vén bếp nấu gọn gàng, ngăn nắp. Nhà quá chật, bà đặt tạm bếp ra một bên hẻm, khi nấu ngồi canh chừng không rời mắt. Trong nhà, bà hạn chế sử dụng các thiết bị điện.
“Khu này chật hẹp, nhỡ xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm. Không thể nói trước được điều gì nên mình phải tự bảo vệ trước” - bà khẳng định.
Ông Bùi Thanh Hùng, Phó Ban bảo vệ dân phố phường Cầu Ông Lãnh cho biết, không riêng gì những hộ dân sống trong khu vực chợ Gà, chợ Gạo xưa, cả phường đều đã được trang bị thiết bị PCCC. Các thiết bị này một phần do nhà nước cấp, số khác được mạnh thường quân hỗ trợ.
Đặc biệt, các hộ dân được lắp đặt chuông báo động. Khi xảy ra sự cố cháy, chỉ cần một người bấm là cả hệ thống chuông ở khu vực sẽ đồng loạt kích hoạt.
“Khi nghe tiếng chuông, những người cao tuổi, sức yếu sẽ được hướng dẫn nhanh chóng rời khỏi nhà. Thanh niên, người có sức khỏe thì cùng nhau hỗ trợ chữa cháy.
Chúng tôi cũng thường xuyên đi tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy để về phổ biến lại cho bà con. Do sinh sống lâu năm trong điều kiện như vậy, người dân ý thức được nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ nên rất hợp tác” - ông Hùng chia sẻ.
Nhà nhỏ nhưng gắn bó, không muốn rời đi
Tại khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh), căn nhà của bà Đinh Ngọc Quyên (SN 1971) vẻn vẹn 5m2 và nằm sâu trong con hẻm không dựng nổi 2 chiếc xe cạnh nhau. Hàng ngày, vợ chồng bà và 4 con chó gặp vô vàn chuyện bất tiện trong sinh hoạt.
Dẫu vậy, bà Quyên chưa bao giờ có ý định rời đi. Thậm chí, bà Quyên nói rằng nếu được thành phố hỗ trợ nơi ở mới rộng rãi, khang trang hơn, bà vẫn sẽ chọn ở lại. Bởi, dù chật chội và bí bách nhưng căn nhà này đã gắn bó với bà mấy chục năm qua.
Hơn thế, bà đã quen với nếp sống nơi đây. Cảnh sống mở cửa là chạm mặt nhau khiến bà cảm thấy hàng xóm láng giềng thân quen, gần gũi, hiểu nhau hơn bao giờ hết.
“Gò bó, nóng nực thật nhưng đây là nhà tôi. Tôi mua nó bằng những đồng tiền là mồ hôi, nước mắt nên rất hài lòng và không muốn rời đi” - bà giãi bày.
Quyến luyến, muốn gắn bó với nơi ở của mình cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân tại khu dân cư Cầu Ông Lãnh. Trong số này, ông Nguyễn Nhật Tín (62 tuổi) quyết tâm hơn cả.
Căn nhà bề ngang 2m, dài 3m có từ thời bố mẹ ông Tín mới cưới. Ông ra đời và lớn lên tại đây. Trước đây, căn nhà này còn là nơi ở của 2 người chị và các cháu.
Ít năm trước, 2 người chị của ông bắt đầu yếu. Ông Tín sợ nếu cứ sống trong căn nhà chật hẹp, phải bó gối trên gác vì không đủ rộng để duỗi chân, hai bà sẽ không còn đi lại được. Vì vậy, ông quyết định hỗ trợ tiền cho con của 2 chị để họ đưa mẹ ra ngoài thuê nhà rộng hơn. Phần mình, ông tiếp tục gắn bó ở chỗ này.
Ông Tín vẫn giữ lại tất cả vật dụng của bố mẹ và làm đám giỗ mỗi năm.
“Ngày giỗ, bà con, anh em cũng tề tựu đông vui. Nhà nhỏ quá, chỉ đủ đặt mâm cơm cúng ông bà, cha mẹ nên mọi người đến đều phải đứng, ngồi ngoài hẻm.
Tôi đã sống ở đây gần hết đời người nên không muốn đi đâu nữa, dẫu có nhà rộng, nhà cao cũng không mong. Tôi quen nếp sống ở đây rồi nên nói thật, dẫu có ăn mắm ăn muối cũng không muốn đi”.
Đó cũng là tâm sự của bà Nguyễn Thị Mỹ Thu, bà Trần Thị Lệ. Dù mỗi bình gas mini, bà Thu chỉ lời 2000 đồng nhưng bà quyết bám trụ căn nhà chật chội của mình.
Bà sợ đến nơi xa lạ sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ, đùm bọc của hàng xóm như vẫn từng - đến đổi gas, lâu lâu tặng thùng mì, ký gạo…
Trong khi đó, bà Lệ sợ mất mối bán cơm. Bởi, thu nhập của bà chủ yếu đến từ tình yêu thương, sự đùm bọc của những người xung quanh.
“Mỗi ngày, tôi nấu 2kg gạo để bán. Hôm nào ế, tôi chỉ bán được 7-8 dĩa cơm. Khách ăn đều là người trong hẻm. Họ thấy tôi có tuổi, bệnh tật nên ăn ủng hộ. Nếu đi xa, không biết còn ai ăn cơm tôi nấu không nữa” - bà Lệ băn khoăn.
Tuy nhiên, trái ngược với tâm trạng của các chủ nhà, những người đến thuê nhà "hộp diêm" lại mong muốn nhanh chóng rời đi nếu được hỗ trợ chỗ ở. Họ sẵn sàng đi làm xa hơn, tạo dựng lại các mối quan hệ để đổi lấy nơi ở tiện nghi.
Chị Lê Kim Dung (SN 1980), người thuê căn nhà chưa đầy 5m2 tại chợ Gà, nói: “Nếu thành phố có dự định tái định cư, tôi sẽ đi ngay. Vì với công việc hiện tại, tôi không bao giờ dám mơ ước có được căn nhà.
Dù ở xa trung tâm thành phố, tôi cũng đồng ý. Có nơi ở rồi, tôi vẫn sẽ đến đây buôn bán như bình thường. Chỉ là mình chịu khó đi xa hơn một chút.
Đổi lại, cuộc sống mình sẽ thoải mái hơn, con cái có nơi ăn ngủ tử tế hơn. Mình khổ rồi, không muốn con phải khổ như vậy nữa”.
Theo Hà Nguyễn (VietNamNet)