Ngõ tối thui, quán vẫn kín khách
Quán phở gà của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh (51 tuổi) nằm trong con ngõ phố cổ Hàng Đào. Con ngõ chỉ rộng chừng 1m, sâu hun hút, khá tối. Phở được bán ngay ở phòng khách, chỉ đủ kê vài chiếc bàn nhựa, xung quanh vẫn để tivi, tủ lạnh...
Cả vị trí và không gian đều hạn chế nhưng quán vẫn có lượng khách ổn định, ngày nào hết hàng ngày đó, đông kín mỗi buổi trưa. Nhiều người từ các tỉnh lân cận cũng tìm tới học công thức từ bà Ánh.
Theo đánh giá của thực khách, quán ăn này có món gà rất ngon, da vàng, giòn, thịt dai, giữ độ ngọt, thơm. Thực đơn chủ yếu là các món liên quan tới gà như gà xé phay hay còn gọi là gà trộn, gà bóp, phở gà và miến gà (nước hoặc trộn).
Bà Ánh cho biết, gà là nguyên liệu quan trọng nhất tại quán. Bà chọn loại gà mái ta từ một cơ sở cung cấp uy tín. Gà được làm sạch và vận chuyển tới tận nơi. Bà Ánh và gia đình sẽ sơ chế thật kỹ rồi tự luộc.
"Tôi không có công thức nào đặc biệt nhưng từ kinh nghiệm mà biết nhìn con gà ra sao thì chín vừa tới, da giòn, trong ẩm, ngọt, thơm”, bà Ánh nói.
Gà luộc xong được vớt ra để nguội. Đêm hoặc sáng sớm, cả nhà bà Ánh bắt đầu gỡ, xé phay. Phần nước luộc gà được sử dụng làm nước dùng, gia giảm gia vị đơn giản, gừng, nấm hương.
Một đĩa gà xé phay dành cho 2-3 người giá 150.000 đồng. Phần húng thơm giúp dậy hương vị riêng biệt, nhưng không quá mạnh để lấn át vị thịt gà. Thực khách có thể gọi kèm thêm bát phở, miến trộn là đủ no.
Khác với những bát phở đầy ắp thịt, giò, lạc rang, hành phi, phở, miến ở đây chỉ có chút xì dầu và gia vị đơn giản và kèm một bát nước dùng được chế biến từ xương gà ninh. Phần nước dùng ngọt từ xương nhưng có phần hơi đậm.
Quán bà Ánh chủ yếu bán buổi trưa, từ thứ 2 đến thứ 7. Bà Ánh cho biết, quán hơi nhỏ nhưng không tốn kém chi phí thuê mặt bằng nên "có thể giữ mức giá ổn định".
Khách 'quá tải' dù quán chật hẹp
Nằm khuất sau con ngõ hẹp, cũ kĩ, nhiều khi tối thui ở đầu đường Lê Duẩn, cắt ngang Nguyễn Thái Học (Hà Nội), quán phở của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thịnh (57 tuổi) là địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách.
Vợ chồng chủ quán tận dụng căn phòng tầng một của gia đình, thêm một chút khoảng sân chung trong ngõ để mở bán. Gian nhà chỉ đủ kê 3-4 bộ bàn ghế gấp. Trước cửa nhà là nơi đặt nồi nước dùng, thái và xào thịt.
Quán chật hẹp, ngột ngạt, nóng bức nên nhiều khách ví von quán phở nhà bà Thịnh là "phở khổ", khách phải "đi đường hầm, ăn trong lô cốt". Tuy nhiên, quán vẫn có lượng khách ổn định, chủ yếu là khách quen, dân văn phòng quanh khu vực và hàng xóm.
Thịt bò được bà Thịnh đặt mua ở mối quen nhiều năm. Sáng sớm bà đều kĩ càng kiểm tra chất lượng thịt. Bà không thái sẵn mà khách tới, gọi món bà mới thái thịt để đảm bảo thịt tươi, ngọt, không bị khô.
Cũng vì khách gọi tới đâu, mới thái thịt tới đó nên khung giờ cao điểm sáng, vợ chồng bà Thịnh thường "quá tải", khách phải chờ khá lâu.
Gù lưng, mỏi gối chờ ăn
Gần chục năm về trước, cứ tới giờ tan tầm, một quán phở nằm ở khu vực đầu phố Hàng Trống giao với phố Hàng Bông (Hà Nội) lại chật cứng thực khách.
Quán phở không có biển hiệu, không cửa hàng, nằm ngay vỉa hè với một nồi nước dùng, rổ thịt bò, vài chục cái ghế nhựa. Khách xếp hàng gọi đồ rồi tự tay bưng bát phở nóng hôi hổi, nhanh chân tìm ghế trống để ngồi thưởng thức.
Không có bàn nên họ cứ tay bưng, tay gắp, miệng xuýt xoa. Cũng vì đó, người ta gọi đây là "phở bưng Hàng Trống" - món phở "gù lưng, mỏi gối" thưởng thức.
Năm 2016 - 2017, khi thành phố triển khai dẹp vỉa hè quy mô lớn, quán phở bưng "lùi" vào trong nhà.
Để tìm đến quán phở nổi tiếng một thời, thực khách phải đi vào một con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ 2 người tránh nhau, sâu chừng 6-7m. Sau đó, đi theo bảng chỉ dẫn lên tầng hai, qua một cầu thang xoắn ốc cũ kĩ.
Không gian của quán rộng chừng 10m2, nằm trên tầng hai của một dãy nhà phố cổ. Một góc phòng khách của gia đình chủ quán được tận dụng để kê 4-5 chiếc bàn nhựa, đón được chừng chục vị khách.
Góc bếp với nồi nước dùng sôi sùng sục, rổ thịt và dụng cụ làm phở nằm ở góc ban công rộng 3 - 4m2. Khu ban công này không có đủ chỗ đặt bàn, thực khách tới ăn phở vẫn giữ thói quen như hồi ngồi vỉa hè - vừa bưng vừa gắp. Ngày mưa, bà chủ đội nón để bán hàng, lấy ô che cho nồi nước phở.
Điểm đặc trưng nhất của bát phở là phần nước dùng trong như "nước suối", vị thanh, thơm dịu, hoàn toàn không có mùi gây của thịt hay xương bò.
Quán chỉ bán duy nhất loại phở chín. Những tảng bò được luộc chín tới, mỡ nạc đan xen, thái mỏng, ăn mềm.
Phở ở đây có phần thanh, nhạt, không quá đậm đà nhưng vừa miệng và dường như rất hợp để thực khách thưởng thức lúc tan tầm, khi bụng đang có chút cồn cào. Nhiều vị khách cho biết họ còn thích mua phần nước phở này về... để chan cơm nguội, món ngon thời bao cấp.
Quán phở gà chấm đặc biệt
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ 40 Nhà Chung (Hà Nội), quán phở gà chấm của bà Nguyễn Thị Mai (59 tuổi) thu hút hàng trăm thực khách tìm đến mỗi ngày. Quán mở bán từ 6h30 đến 14h và nghỉ Chủ nhật. Diện tích quán chừng 30m2, phục vụ được khoảng 20 khách cùng một thời điểm.
Bà Mai có 35 năm bán phở, mở quán đầu tiên ở đường Đại Cồ Việt vào năm 1988, sau đó chuyển về khu vực vườn hoa Hàng Trống năm 1993 và đến năm 2015 mới cố định ở địa chỉ hiện tại.
Trong một thời gian dài, phở gà chấm chỉ bán được số lượng tương đương hoặc ít hơn các món khác như bún ốc, bún riêu, bún cá. Đến khi được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, phở gà chấm trở thành món bán chạy và nổi tiếng nhất của quán. Một suất phở gà chấm có giá 40.000 đồng.
Khác với sợi phở nhỏ thông thường, phở gà chấm dùng sợi phở được cắt từ những bánh phở hình chữ nhật, độ rộng khoảng 3-4cm. Với món phở chấm, bánh phở không chần quá nóng nên có độ dai nhẹ, không nát.
Thịt gà được luộc chín và chia thành các bộ phận riêng để thực khách gọi theo ý thích như ức, lườn, cánh, đùi, rắc thêm ít lá chanh thái nhỏ, rau mùi, hành lá sợi. Thịt gà có da vàng bóng, mỡ màng, mềm nhưng chắc thịt.
Nước chấm chua ngọt với các nguyên liệu quen thuộc (bột canh, chanh, đường, ớt), được phục vụ kèm canh gà măng khô làm từ nước luộc và ninh xương gà.
Theo Linh Trang (VietNamNet)