Tại phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 – 2018 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 13/11, nhiều ĐBQH cho rằng tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, đặc biệt sau vụ hỏa hoạn tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cần có cơ chế sớm di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, PCCC là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Cha ông ta từng cảnh báo, trong 4 nguy cơ Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc.
Nói về giải pháp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu đưới tầng ngầm, vì mỗi xe như một bình xăng, cả tầng như một kho xăng.
"Kiên quyết xem xét và có kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp, các cây xăng, các cơ sở sản xuất có nguy cơ thiếu an toàn về cháy, nổ ra khỏi khu đông dân cư", đại biểu đoàn Quảng Bình nhấn mạnh.
Trao đổi riêng với Báo Gia đình & Xã hội bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh quan điểm phải di dời các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng có hóa chất độc hại ra khỏi khu dân cư đông người.
Đại biểu Hòa cũng cho biết, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện các công ty, xí nghiệp vẫn nằm trong khu dân cư còn rất nhiều, ẩn họa khôn lường đến tính mạng, sức khỏe của người dân nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: "Rất nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản của nhà nước, người dân đặc biệt hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tôi cho rằng, ở hai thành phố lớn có các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong nội đô, thời gian qua khâu PCCC các ban, ngành chức năng cũng đã hết sức có tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra thì hầu hết những cơ sở thực hiện 4 phương châm tại chỗ gần như tê liệt, lực lượng PCCC có mặt thì việc gần như đã rồi, muốn dập tắt phải có thời gian nhiều. Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông là một điển hình".
Theo đại biểu Hòa, giải pháp được đề xuất có rất nhiều, nhưng một trong những giải pháp căn cơ, cốt lõi đó là di chuyển hoặc không cho hoạt động sản xuất đối với những cơ sở dễ cháy nổ.
Thứ hai là những cơ sở có chứa hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, điển hình như vụ cháy tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông phải di dời để đảm bảo cho người dân sinh sống.
"Thực hiện có quy trình, lộ trình để di chuyển, đối với những cơ sở mới phải quy hoạch rõ ràng đảm bảo không có dân cư sinh sống.
Tôi nghĩ rằng tất cả những phương án này sẽ đảm bảo an toàn hơn. Bởi, nếu cơ sở, nhà máy hoạt động trong nội đô dù có PCCC cực tốt, cực giỏi đi nữa thì khi sự việc xảy ra cũng hết sức nguy hiểm. Một vấn đề hạn chế trong công tác chữa cháy đó là vấn nạn tắc đường, tắc đường khi sự việc xảy ra xe chữa cháy tới thì tắc đường vẫn là tắc đường. Ảnh hưởng cực lớn đến công tác PCCC", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận trách nhiệm
Báo cáo giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến công tác PCCC, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhận trách nhiệm vì thời gian qua việc thanh-kiểm tra PCCC thực hiện chưa nghiêm.
Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình…
Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)