Sốc với hình ảnh dạy học sinh tiểu học cầm súng

12/04/2016 10:28:00

“Hình ảnh trẻ em cầm súng đáng lên án nhất hành tinh này! Tôi kịch liệt phản đối cách dạy kỹ năng quái đản như thế”, người dùng Facebook có nickname “TTD.Quyên” chia sẻ trên trang cá nhân kèm theo ảnh học sinh cầm súng AK.

“Hình ảnh trẻ em cầm súng đáng lên án nhất hành tinh này! Tôi kịch liệt phản đối cách dạy kỹ năng quái đản như thế”, người dùng Facebook có nickname “TTD.Quyên” chia sẻ trên trang cá nhân kèm theo ảnh học sinh cầm súng AK.

Nickname “TTD.Quyên” bức xúc trước hình ảnh dạy học sinh tiểu học sử dụng súng.

 
Trường cho học sinh lớp 1, lớp 2 trải nghiệm sử dụng súng
 
Mới đây, người dùng facebook có nickname “TTD.Quyên” chia sẻ công khai trên trang cá nhân của mình 2 bức ảnh ghi lại cảnh nhiều nữ thanh niên hướng dẫn các em học sinh khoảng 6-7 tuổi cầm súng (dạng súng trường AK47) và ngắm bắn.
 
Kèm theo hai bức ảnh trên, nickname “TTD.Quyên” bày tỏ ý kiến lên án mạnh mẽ việc dạy trẻ nhỏ sử dụng súng.
 
“Trẻ con cần gì? Chúng cần được yêu thương và được dạy để biết yêu thương… Hình ảnh trẻ em cầm súng đáng lên án nhất hành tinh này! Tôi kịch liệt phản đối cách dạy kỹ năng quái đản như thế…”, nickname “TTD.Quyên” bày tỏ quan điểm.
 
Bài viết của nickname “TTD.Quyên” sau đó thu hút gần 1 nghìn lượt chia sẻ. Nhiều người dùng facebook cũng đồng tình với quan điểm của nickname “TTD.Quyên”, thậm chí bức xúc gọi đây là cách giáo dục kỹ năng “quái đản”, “phản giáo dục”.
 
“Không thể tin vào mắt mình, có lớp dạy học sinh cầm súng kiểu này sao? Cháu gái có khuôn mặt và đôi mắt đẹp như thiên thần mà dạy cháu sử dụng thứ vũ khí như thế này…”, nickname Phong Trương bình luận.
 
“Không nên dạy trẻ con bắn súng, vào quân đội chỉ cần huấn luyện thời gian ngắn là biết bắn ngay. Nên dạy trẻ lòng yêu thương và đạo đức… Học sinh bây giờ vì một lý do đơn giải cũng đánh nhau, hoặc dùng dao xử nhau”, nickname Long Ngo bình luận.
 
Theo tìm hiểu của PV, hai bức ảnh của nickname “TTD.Quyên” chia sẻ trước đó đã được một tờ báo của ngành giáo dục đăng tải. Thông tin từ tờ báo cho biết, học sinh cầm súng trong ảnh thuộc khối lớp 1 và lớp 2 của trường Tiểu học thực hành Đại học Vinh. Các em được nhà trường tổ chức tham quan, trải nghiệm tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng – An ninh Vinh, trong đó các em được cầm súng và tập bắn súng điện tử.
 

Nhiều người dùng facebook phản đối việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc với súng.

 
Dạy trẻ nhỏ cầm súng rất nguy hiểm
 
Trao đổi với PV về việc cho trẻ nhỏ sử dụng súng, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, các em học sinh khối lớp 1 và lớp 2 được tham quan và trải nghiệm nề nếp, kỷ luật trong quân đội là rất cần thiết.
 
“Nếu các em thấy được những điều hay, kỷ luật nghiêm, nề nếp để các em làm theo là điều tốt. Tuy nhiên, trong chương trình cho các em cầm súng và ngắm bắn như hình ảnh đăng trên mạng là chưa phù hợp với lứa tuổi”, tiến sĩ Lâm nói.
 
Ông Lâm giải thích: Ở học sinh tiểu học, trẻ phát triển trí tưởng tượng rất lớn. Nếu trẻ rất thích, rất ấn tượng với hoạt động cầm súng, ngắm bắn thì càng nguy hiểm vì trong tâm lý học sức lan tỏa của tâm lý rất mạnh. Từ những cảm xúc, ấn tượng đó sẽ chi phối hành vi của các em như thích chơi súng, đánh trận giả, xông trận….
 
“Sẽ nguy hiểm hơn đối với những trẻ bị tăng động, giàu cảm xúc, các em sẽ ấn tượng hành động cầm súng, ngắm bắn và suy nghĩ quanh quẩn ở những hành động đó, điều chúng ta không khuyến khích. Do đó, với các em lứa tuổi này, chúng ta cần kích thích cảm xúc lành mạnh để nuôi dưỡng về mặt tâm hồn cũng như cho các em hiểu biết về thẩm mỹ về giá trị sống tốt đẹp”, tiến sĩ Lâm cho hay.
 
Tiến sĩ Lâm khuyến cáo, để trẻ ở lứa tuổi tiểu học phát triển tốt, phụ huynh nên cho trẻ vận động như chơi với bạn bè, nô đùa, chạy nhảy, tập các môn thể thao đảm bảo độ vận động của trẻ trong một ngày. Cần để ý đến năng khiếu của con, khuyến khích năng khiếu của trẻ phát triển. Ngoài ra, cần cung cấp cho con đủ chất dinh dưỡng, phải ngủ đủ giấc, hợp lý.
 
>> Dỗ con bằng điện thoại, iPad là đánh mất cơ hội phát triển của trẻ
 
Theo Công Phương – Xuân Lực (Dân Việt)

Nổi bật