Sau 7 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 (từ 19 - 25/12) cao nhất cả nước. Ngày 27/12, Hà Nội tiếp tục ghi nhận trên 1.900 ca mắc mới. Theo số liệu của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Hà Nội ghi nhận 108 ca tử vong từ đầu mùa dịch, chiếm tỉ lệ 0,3% trên số mắc, thấp hơn nhiều tỉnh thành, trong khi Hà Nội đang ở trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc mới, số đang điều trị, số ca chuyển nặng cao nhất cả nước.
Tổng hợp thông tin từ Bộ Y tế, trong 2 tuần qua (từ ngày 12-25/12), toàn thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng 17.897 ca mắc mới.
Trong khi ngày 12/12, Hà Nội có tổng cộng 980 ca mắc mới, thì 1 ngày sau đó - lần đầu tiên ca mắc mới trên địa bàn Hà Nội cán mốc 1000 ca/ngày). Chỉ sụt giảm 2 ngày là 16 & 17/12, liên tiếp sau đó Hà Nội thường xuyên ghi nhận trên 1.500 ca/ngày, đến 26/12, thủ đô đã vượt 1.900 ca mắc mới COVID-19.
TP Hà Nội công bố cấp độ dịch toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tuy nhiên, số lượng các quận và xã, phường ở cấp độ 3 đã tăng nhiều hơn so với tuần trước.
Thông tin trên VTC News, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, số ca bệnh hiện nay của Hà Nội vẫn tăng cao do Hà Nội vẫn thực hiện truy vết, xét nghiệm nhiều.
Với tình hình dịch bệnh như vậy, Hà Nội vẫn đáp ứng được công tác điều trị, nhưng nếu không có các biện pháp mạnh làm giảm nguy cơ lây nhiễm, thì các ca bệnh tăng quá nhiều, gây quá tải hệ thống y tế, kéo theo tỷ lệ tử vong tăng cao.
“Hà Nội không nên nghĩ tiêm vaccine nhiều là an toàn mà không quyết liệt với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến chủ quan, buông xuôi thả lỏng. Tiêm vaccine không có nghĩa là tránh được nhiễm bệnh và tử vong. Một số người kể cả dù tiêm 2 mũi vẫn nguy cơ trở nặng, thậm chí có người tử vong dù tiêm đủ vaccine", ông Phu nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, các biện phát kiểm soát dịch hiện chưa thực sự quyết liệt. Nếu như trước đây người dân ra ngoài không tuân thủ đeo khẩu trang là bị cơ quan chức năng xử phạt ngay, nhưng giờ ra đường tình trạng tụ tập đông người vẫn diễn ra, nhiều người còn không đeo khẩu trang. Đó là chưa kể, trước thì hàng quán bắt buộc có vách ngăn chống giọt bắn mới được phép hoạt động nhưng nay hầu như các quán quên mất điều này. Cơ quan chức năng ít nhắc nhở, thiếu sự quyết liệt.
Do đó, để tránh tình hình dịch bệnh mất kiểm soát, Hà Nội nên quyết liệt hơn, qua đó tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch như phạt người không đeo khẩu trang, tụ tập đông người không có lý do…
Đặc biệt, từ nay đến Tết, Hà Nội càng cần phải thắt chặt hơn nữa vì là thành phố đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao,
“Nếu không quyết liệt số ca bệnh tăng quá cao thì Hà Nội lâm vào tình trạng “vỡ trận dự phòng, vỡ trận điều trị”, từ đó tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng theo, rất nguy hiểm”, ông Phu nói.
Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu, hiện nhiều người Hà Nội tâm lý rất chủ quan, nếu chính quyền không có động thái mạnh mẽ thì số ca bệnh sẽ tăng hơn nữa, kéo theo sự quá tải của hệ thống y tế cũng như tỷ lệ tử vong khó kiểm soát.
“Tôi thấy việc kiểm soát đang có phần hời hợt. Tại sao trước đây tụ tập đông người, không đeo khẩu trang hay ra ngoài không lý do là bị phạt ngay còn bây giờ thì không? Tôi mong người dân ngoài việc ý thức hơn thì cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để siết chặt”, ông Nga nói.
Trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch còn yếu tố quan trọng là khai báo y tế trung thực. Thực tế, nhiều ca bệnh ở Hà Nội khi phát hiện ra mắc bệnh mới biết là không hoặc rất ít khi khai báo y tế khi di chuyển giữa các vùng, địa điểm. Cơ quan chức năng nên quy định cụ thể những trường hợp này sẽ xử lý thế nào, xử xử phạt ra sao. Thậm chí có F0 phát hiện bị bệnh mà không khai báo...
Do đó, chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa mới hy vọng dịch từng bước được kiểm soát.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)