Trong ngày 26/12, thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận thêm 15.218 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 36 ca nhập cảnh và 15.182 ca ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố từng ghi nhận số lượng ca mắc rất cao đã có sự suy giảm, trong khi đó, một số địa phương lại tăng nhanh ca nhiễm như Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa.
Tỷ lệ nhiễm tăng nhanh ở Hà Nội cao nhất cả nước
Trong ngày 26/12, Hà Nội ghi nhận 1.887 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.321 ca bệnh được phát hiện tại các khu cách ly.
Các trường hợp còn lại được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (794) và khu phong tỏa (122), theo Sở Y tế Hà Nội. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, Hà Nội bước sang ngày thứ 7 đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới với 1.910 F0.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, thành phố có 41.247 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 21.408 người đã khỏi bệnh.
Đến ngày 25/12, Hà Nội có 19.730 F0 đang được điều trị, trong đó 2.386 ca tại bệnh viện; 2.470 ca tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố; 4.840 ca tại cơ sở thu dung của quận, huyện và 10.034 người đang cách ly điều trị tại nhà (giảm 123 người so với ngày 24/12). Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 205.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.477 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình; 332 ca ở mức nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 290 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 12 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 7 trường hợp thở máy không xâm lấn; 23 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số bệnh nhân tử vong từ khi dịch bùng phát là 109 trường hợp (trong ngày 25/12 có 2 bệnh nhân tử vong), hầu hết đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine.
F0, F1 ‘liều mình’ uống thuốc điều trị tại nhà
Số ca mắc tăng nhanh khiến nhiều người dân lo lắng, hoang mang gây ra tình trạng một số người dân tích trữ các loại thuốc, thậm chí là dùng thuốc khi chưa có triệu chứng hoặc chưa mắc Covid-19.
Thông tin trên VietNamNet, bác sĩ Lê Xuân Thắng (từng công tác tại Bệnh viện 103) cho biết, trong quá trình tham gia nhóm Bác sĩ quân y tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà, anh gặp không ít trường hợp F1, F0 tự mua thuốc uống theo các đơn sao chép trên mạng.
Anh đơn cử trường hợp một gia đình có chồng là F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng vẫn vô cùng lo lắng. Người này mua thuốc theo đơn được chia sẻ trên mạng để uống. Sau đó, anh còn chia sẻ đơn này cho các F1 khác uống cùng.
Đơn thuốc các F1 trên đã dùng gồm Methylprednisolon (thuốc chống viêm corticosteroid), Paracetamol, Vitamin C và nhỏ mũi, súc họng.
Theo đó, các F1 đã uống hết số thuốc theo đơn trên. Bệnh nhân cũng dùng Paracetamol mặc dù không sốt. Trong khi đó, Paracetamol chỉ dùng khi sốt trên 38,5 độ C, dùng 1 viên và sau 4-6 giờ mới dùng viên tiếp theo.
Sau khi dùng thuốc, F0 thấy đau bụng, nóng rát thượng vị, người vợ đã gọi cho bác sĩ Thắng. Qua triệu chứng, đánh giá bệnh nhân có tình trạng viêm dạ dày do dùng Corticoid, bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân dùng thêm thuốc để giảm axit dạ dày, bảo vệ dạ dày bị tổn thương.
Theo bác sĩ Thắng, việc dùng corticoid hay hạ sốt, giảm đau không đúng chỉ định dễ gây viêm dạ dày cấp, loét, thậm chí chảy máu hoặc thủng dạ dày. Các bác sĩ khuyến cáo, F1 nếu không có triệu chứng nên cách ly, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, tập thể dục và có thể bổ sung thêm Vitamin C, 3B để nâng sức đề kháng và “F1 tuyệt đối không dùng thuốc”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Với F0 có triệu chứng, bác sĩ cũng khuyến cáo, dùng thuốc điều trị theo các triệu chứng, ví dụ nếu sốt dùng Paracetamol cắt sốt, ho dùng thuốc điều trị ho. “Trước khi dùng thuốc, phải có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng theo đơn được chia sẻ trên mạng và tránh dùng thuốc khi không có triệu chứng để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn”, bác sĩ Thắng cảnh báo.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân không nên tích trữ thuốc. Hiện tại, có tình trạng y tế cơ sở quá tải, sự quan tâm với người bệnh chưa được sát sao, một số F0 phản ánh chưa được phát thuốc, hướng dẫn điều trị gây ra tâm lý hoang mang.
Tuy nhiên, F0 cần bình tĩnh, có thể tham khảo ý kiến từ nhóm bác sĩ quân y đang tư vấn cho F0 tại nhà. Ngoài ra, việc tích trữ thuốc dễ gây tình trạng “người cần không có, người có lại không cần”. Đồng thời, người dân cũng không nên mua các loại thuốc được quảng cáo trên mạng là “thần dược” điều trị Covid nguồn gốc không rõ ràng.
“Khi tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà có triệu chứng, chúng tôi đều kê đơn phần lớn là các thuốc dễ tìm, thông dụng, có sẵn tại các nhà thuốc. Vì vậy, người dân không nên tích trữ thuốc, dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và các thuốc phải được Bộ Y tế cấp phép”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND TP Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch. 21 quận, huyện ở cấp độ 2; huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1; không có quận, huyện nào ở cấp độ 4.
Trong 14 ngày gần đây, có 67 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bổ theo các quận, huyện thị xã như sau: Ba Đình 9 đơn vị, Đống Đa 11 đơn vị, Gia Lâm 1 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 12 đơn vị, Hoàn Kiếm 4 đơn vị, Hoàng Mai 12 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Nam Từ Liêm 2 đơn vị, Tây Hồ 5 đơn vị, Thanh Trì 5 đơn vị.
Ngoài ra, 116 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 trong phòng chống dịch; 396 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; không có đơn vị nào ở cấp độ 4.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)