Việc cập nhật điểm thi không ảnh hưởng đến xét tuyển cả nước
Theo Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Trần Anh Tuấn, hiện nay các Sở GD&ĐT đang tiến hành chấm phúc khảo lại các bài yêu cầu phúc khảo của thí sinh theo quy chế thi THPTQG.
Vì vậy việc cập nhật lại điểm trên hệ thống không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển của các thí sinh.
Các thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm và tiếp tục thực hiện các bước điều chỉnh nguyện vọng theo hai phương thức trực tuyến và trực tiếp đến hết ngày 28-7.
Cũng theo chia sẻ của ông Tuấn, đúng 8 giờ sáng ngày 19-7, hệ thống đã chính thức mở để các thí sinh thực hiện các thao tác điều chỉnh.
Cho đến thời điểm này, hệ thống vẫn đang hoạt động tốt, đã rất nhiều thí sinh vào điều chỉnh nguyện vọng thành công. Khoảng gần 700.000 lượt sinh viên có thể tham gia điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống này.
Đối với các thí sinh thay đổi nhiều hơn số lượng nguyện vọng đăng kí ban đầu, thì sử dụng phiếu điều chỉnh trực tiếp và nộp tại trường mà thí sinh đăng ký.
Trước khi điều chỉnh, các em cần nghiên cứu rõ về các ngành nghề của mình đã đăng kí, căn cứ vào điểm thi của mình để đối chiếu, so sánh bằng cách viết ra 1 danh sách trước, bàn thảo kĩ với gia đình và đặt nguyện vọng yêu thích lên trên và các thí sinh chỉ được điều chỉnh 1 lần duy nhất.
“Trong quá trình điều chỉnh, có nhiều bước và bước cuối cùng là xác nhận bằng mã opp gửi tới số điện thoại của thí sinh, thì các thí sinh thực hiện theo, không được bỏ bước nào.
Tránh như năm trước, có nhiều thí sinh khi chỉnh sửa xong không hoàn thiện các bước xác nhận cuối cùng nên đã không hoàn tất được hồ sơ.
Đồng thời, sau khi điều chỉnh xong, các thí sinh cũng phải thường xuyên vào tài khoản của mình để xem, nếu phát hiện kết quả điều chỉnh vẫn không được thay đổi so với lần đăng kí trước thì báo ngay cho các thầy cô ở các điểm tiếp nhận hồ sơ, để báo cáo lên Sở GD&ĐT kịp thời điều chỉnh” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Thí sinh được “nâng điểm” dù đã nhập học cũng bị xử lý
Trước bê bối nâng điểm thi tại Hà Giang, dư luận đặt vấn đề, đối với những năm trước, những học sinh, sinh viên nằm trong diện được điều chỉnh đã nhập học vào các trường ĐH, trong khi bây giờ mới điều tra ra thì xử lý sẽ như thế nào?
Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết: Hiện Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để điều tra vụ những nghi vấn liên quan đến gian lận điểm thi THPTQG; đồng thời, trong quy chế thi và quy chế tuyển sinh đã quy định rất rõ đối với các trường hợp phát hiện gian lận trong thi cử thì phải có hình thức kỉ luật kết hợp với các quy định hiện hành để xử lí.
Theo đó, dù đã là sinh viên đã và đang học tại các trường ĐH mà bị phát hiện gian lận thì cũng sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
Đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường ĐH mà bị phát hiện cũng nằm trong số lượng gian lận điểm thi như Hà Giang năm nay thì cũng sẽ bị xử lí, hình thức cao nhất là buộc thôi học.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, đối với trường hợp thí sinh có khả năng may mắn đỗ ĐH, có những biểu hiện gian lận mà không được phát hiện thì trong quá trình đào tạo ĐH dĩ nhiên sẽ bị sàng lọc, thải loại các đối tượng này.
Bởi vì, hiện nay trong hầu hết các trường ĐH, đặc biệt là trường có thương hiệu, công tác đảm bảo chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra đòi hỏi đáp ứng yêu cầu từ thị trường lao động rất cao.
Riêng đối với trường hợp các thí sinh đã đủ 18 tuổi, khi phát hiện gian lận điểm thi sẽ bị xử lý ra sao, về vấn đề này, ông Tuấn cho biết: Trên thực tế, tất cả các cá nhân đã đủ tuổi trưởng thành thì đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cụ thể khi cơ quan điều tra phát hiện ra vi phạm ở mức nào thì xử phạt theo mức độ đó.
Theo Thu Phương- Huyền Thanh (CAND Online)