5 tiếng sau khi báo chí đăng tải thông tin ông Đắc khẳng định Hoà Bình không có tiêu cực trong chấm thi, Dân Việt đã nhận được thông tin phản hồi về nghi vấn điểm thi cao bất thường của một giáo viên tại địa phương.
Vị giáo viên này viết: “Chúng tôi bức xúc lắm khi lãnh đạo khẳng định là "chấm thi trong sạch, không có tiêu cực trong chấm thi". Trước đó, nhiều người muốn lên tiếng cũng không dám, giờ nhờ báo chí phanh phui đến cùng”.
Để chứng minh cho những nghi vấn của mình, giáo viên này đã đưa ra bảng điểm trong đó có 4 học sinh được điểm số cao bất thường. “Theo đó, 4 học sinh này điểm thi thử chưa bao giờ vượt qua 13 -15 điểm 3 môn xét tuyển Đại học, nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT lại cao vọt, thầy cô dạy các em trong lớp ai cũng thấy “lạ”. Tất cả các em đều là con em lãnh đạo địa phương”, giáo viên này viết.
Không chỉ vậy, khá nhiều thầy giáo còn bức xúc vì còn nhiều học sinh lớp cận chuyên toán nhưng điểm cao hơn cả học sinh giỏi chuyên Toán.
Cũng theo vị giáo viên này, năm trước đã xảy ra tình trạng điểm cao bất thường nhưng ít. Không riêng gì trường giáo viên này dạy mà nhiều trường khác đều thế.
Để xác minh thông tin này, PV báo Dân Việt đã liên hệ với học sinh tại một trường THPT được giáo viên trên đề cập. Một học sinh cho biết: “Bọn em thấy bức xúc nhưng chẳng ai dám nói ra, sợ ảnh hưởng tới danh tiếng của trường và địa phương. Nhưng nếu không nói em cảm thấy có lỗi. Vừa có lỗi với bản thân vừa có lỗi với các bạn khác”.
Theo em này, có 2 bạn trong lớp có thành tích học tập tốt nhất, điểm thi thử trong 4 lần đều dẫn đầu toàn lớp, thế nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp chính thức thì điểm số của 2 bạn khác trong lớp lại cao vọt, điểm cao hơn rất nhiều so với lực học và kết quả trong những lần thi thử trước đó.
Để dẫn chứng, học sinh này đã cung cấp cho PV bảng điểm thi thử và bảng điểm thi chính thức của 2 bạn học sinh. Cụ thể, 1 trong hai bạn đó là M.T (12 chuyên), kỳ thi thử lần 4 tổ hợp môn xã hội của T. như sau: Văn 6,5 điểm; Sử 5,25 điểm; Địa lý 5,5 điểm. Tuy nhiên, đến kỳ thi chính thức, những môn tổ hợp xã hội của học sinh này tăng vọt: Văn 8,75; Sử 9,75; Địa lý được 8 điểm.
Tương tự, một học sinh khác trong lớp là P.T (12 chuyên) thi thử lần 4 kết quả là: Văn 8,75 điểm; Sử: 4,5, Địa lý: 5 điểm, nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp chính thức là: Văn 8,75 điểm; Lịch sử 9,25 điểm; Địa lý 9,75 điểm.
“Mong muốn của bọn em là sớm làm rõ thực hư của chuyện này, vì bọn em biết, thầy cô dạy cũng biết lực học của từng bạn”, học sinh này kiến nghị.
Chiều 19.7, trong buổi trả lời phỏng vấn Dân Việt, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định không có chuyện gian lận trong chấm thi THPT ở Hoà Bình. Ông này cũng khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ trưởng GDĐT về việc này. "Nếu có điều gì bất thường, chúng tôi sẵn sàng chủ động mời Bộ GDĐT về thanh tra, kiểm tra và mời Cục Quản lý chất lượng về chấm lại toàn bộ bài thi của Hòa Bình, ông Đắc nói.
Ông Ngyễn Quang Vinh, Trưởng phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Tổ trưởng tổ chấm trắc nghiệm cũng khẳng định: “Quá trình diễn ra kỳ thi THPT tại tỉnh Hòa Bình vừa qua được thực hiện rất bài bản, nghiêm túc đúng tinh thần của Bộ GDĐT. Nếu tính điểm trung bình các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hòa Bình so với các tỉnh khác là rất thấp. Hòa Bình chỉ đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố thì không thể nói là cao".
Cũng theo ông Vinh, trong quá trình chấm trắc nghiệm, Tổ còn cách ly giống như làm đề thi ở Nhà công vụ của Công an tỉnh Hòa Bình và luôn có sự giám sát chặt trẽ của thanh tra của Bộ, thanh tra của Sở và cán bộ PA 83, Công an tỉnh giám sát.
Theo TA (Dân Việt)