Mưa lớn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, bắt đầu từ 13h20. Một số khu vực còn xuất hiện mưa đá cục bộ. Đối với người làm nông nghiệp, cơn mưa này thực sự quý giá như vàng bởi từ tháng 11/2023 tới nay, nhiều khu vực của tỉnh Lâm Đồng vẫn không có mưa.
So với năm trước, mưa đầu mùa tại Lâm Đồng đã tới trễ hơn nhiều tuần. Điều này khiến nguồn nước dự trữ ở các sông suối, ao hồ bị cạn kiệt.
Nhiều khu vực, không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn thiếu cả nguồn nước nguyên liệu để các nhà máy sản xuất nước sạch hoạt động. Hiện một số địa phương của TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã bị cắt nước luân phiên để tập trung nước cho các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân cư và các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, rất nhiều ao hồ thủy lợi trên địa bàn đã cạn nước, nhất là các ao hồ nhỏ thuộc sở hữu của người dân. Nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng qua khiến nhu cầu sử dụng nước tưới cho cây trồng, nhất là cà phê gia tăng đột biến. Nhiều khu vực, do ao hồ đã cạn sạch nước, người dân đành bất lực nhìn hoa màu chết dần.
Tại Lâm Đồng, khoảng 2.100ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ.
Những ngày gần đây, một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng đã có mưa. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với năm trước. Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối vẫn đang giảm mạnh.
Theo Khắc Lịch (Công An Nhân Dân)